Những thất bại trong quá khứ của một số trung tâm chuyển giao công nghệ (TTO) tại một số trường đại học cho thấy, để tránh đi vào vết xe đổ đó, những chính sách về chuyển giao công nghệ trong trường/viện cần tập trung vào việc hình thành mô hình TTO tốt để nó có thể thực hiện được đầy đủ chức năng của mình.

Một dây chuyền sản xuất của Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và Giám định công nghệ ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc – một trong những trung tâm chuyển giao công nghệ lớn nhất Việt Nam hiện nay. Nguồn: MOST

Một dây chuyền sản xuất của Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và Giám định công nghệ ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc – một trong những trung tâm chuyển giao công nghệ lớn nhất Việt Nam hiện nay. Nguồn: MOST

Do quá trình đó sẽ diễn ra trong khoảng thời gian dài nên cần có sự kiên nhẫn của các nhà quản lý.

Những TTO bị “bỏ quên”

Không phải ở thời điểm này, khi các hoạt động chuyển giao công nghệ được nhắc đến một cách rầm rộ ở nhiều viện, trường như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam… thì các trung tâm chuyển giao công nghệ mới được hình thành. Trên thực tế, ngay từ đầu những năm 2000, một số viện, trường ở Việt Nam như Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Đại học Dược Hà Nội,… đã thành lập trung tâm chuyển giao công nghệ (TTO). Trao đổi bên lề hội thảo “Quản trị tài sản trí tuệ và thương mại hóa công nghệ dành cho các viện/trường thành viên trong khuôn khổ dự án Môi trường sở hữu trí tuệ kiến tạo (EIE)” (diễn ra từ ngày 28 đến 31/10/2019), PGS.TS. Phan Tiến Dũng, Phó trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã nhìn nhận lại quá trình này và nhận xét, “so với tiến trình của các quốc gia khác trên thế giới như Mỹ bắt đầu thành lập TTO từ những năm 1980, Singapore từ những năm 1990 và đầu 2000 như Brazil,… thì chúng ta cũng không bị chậm quá so với thế giới”.

Tuy sớm có TTO nhưng đáng buồn là khi đó, các TTO đều ở cảnh hoạt động không hiệu quả hoặc không đúng chức năng. Đó là câu chuyện ở trường đại học Dược Hà Nội, một ngôi trường có nhiều đề tài, dự án nghiên cứu về các hoạt chất, các loại dược liệu có khả năng chuyển thành các loại thuốc, thực phẩm chức năng. PGS.TS. Đỗ Quyên, trưởng phòng Quản lý khoa học của trường cho biết, trước đây ban giám hiệu đã thành lập một trung tâm có chức năng tương tự TTO) nhưng “mục đích là tiếp nhận kinh phí cho các đề tài nghiên cứu theo quy định lúc đó chứ không phải để thực hiện nhiệm vụ chuyển giao”. Công việc mà trung tâm thực hiện không rõ ràng nên “khi không còn áp dụng quy định về tiếp nhận kinh phí nữa nên trường đã quyết định đóng cửa trung tâm dù việc có được một trung tâm như vậy không hề dễ dàng”, chị cho biết.

Tình cảnh đó cũng lặp lại tại một cơ sở lớn hàng đầu về KH&CN ở Việt Nam như Viện Hàn lâm KH&CN. “Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của Viện vẫn chủ yếu tập trung vào phần… nghiên cứu là chính còn phần chuyển giao vẫn còn hạn chế”, PGS.TS. Phan Tiến Dũng cho biết.

Vậy đâu là nguyên nhân chính khiến khiến các TTO vẫn còn loay hoay và không thực hiện đúng mục tiêu như được kỳ vọng? “Là do lúc đó mọi người còn chưa có kinh nghiệm trong hoạt động chuyển giao công nghệ, hơn nữa chưa có được những chính sách hướng dẫn cụ thể như bây giờ nên các viện, trường chưa biết cách làm như thế nào”, PGS.TS. Đỗ Quyên nói. Chị muốn so sánh cái thời còn mò mẫm chưa biết làm gì, chưa biết hỏi ai về các vấn đề liên quan đến chuyển giao công nghệ với thời điểm hiện tại, khi những người quan tâm đến chuyển giao như chị và đồng nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) hướng dẫn, được tham gia các khóa học hướng dẫn và được các chuyên gia nước ngoài hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm tại các hội thảo như hội thảo về quản trị tài sản trí tuệ cho các viện trường trong khuôn khổ dự án EIE do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) và trường Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp tổ chức.

Mặt khác, các quy định về tổ chức của các TTO vẫn còn chưa rõ ràng: ai là người quản lý, nhân lực của TTO là công chức hay viên chức, nguồn kinh phí đầu tư ở đâu, quy trình hoạt động của nó ra sao…. Đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam bởi với các quốc gia mới bắt đầu phát triển các TTO đều rơi vào trường hợp này. “Ở Đại học Cornell, chúng tôi đã từng tranh cãi TTO sẽ thuộc sự quản lý phó hiệu trưởng về tài chính hay chịu sự quản lý của phó hiệu trưởng về nghiên cứu. Có người cho rằng phó hiệu trưởng tài chính chịu trách nhiệm về các hoạt động đầu tư nên sẽ phù hợp hơn. Sau một khoảng thời gian dài tranh cãi, cuối cùng TTO cũng được đặt dưới sự quản lý của phó hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu vì việc tạo doanh thu tuy quan trọng nhưng chỉ là một phần, nghiên cứu mới là vấn đề chính cần quan tâm”, ông Richard S. Cahoon, cựu Giám đốc TTO của Đại học Cornell kể lại quá trình loay hoay lúc mới thành lập TTO ở trường, đồng thời đưa nhận xét, “nếu không phân định rạch ròi về thẩm quyền giữa TTO với viện, trường thì có thể dẫn đến rất nhiều vấn đề khúc mắc sau này”.

Cần một quá trình “ươm tạo”

Trong bối cảnh mới, khi hoạt động nghiên cứu của các trường viện đã gia tăng rất nhiều so với trước đây và các nhà nghiên cứu cũng có ý thức nhiều hơn trong vấn đề chuyển kết quả nghiên cứu thành sản phẩm công nghệ, vai trò của các TTO đã được nhìn nhận lại. Vậy để tránh rơi vào vết xe cũ, các TTO cần được hoạt động như thế nào. Với tư cách là một chuyên gia tư vấn chuyển giao công nghệ và từng tham gia thành lập TTO đầu tiên ở Brazil, bà Elizabeth Ritter – một diễn giả tại hội thảo, cho rằng các chính sách của nhà nước là điều cần thiết để thúc đẩy các viện, trường thành lập TTO nhưng “nếu chỉ có mỗi chính sách vĩ mô thì chẳng làm được gì. Điều quan trọng là cần đào tạo nhân lực đủ khả năng điều hành TTO và có hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng TTO”.

Việc đầu tư xây dựng các TTO cần một quá trình dài. Ở những quốc gia có nền công nghiệp phát triển và dẫn đầu trong xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo như Mỹ, Pháp,… TTO cũng phải mất khoảng 10 năm để có thể tự hoạt động ổn định. Chính phủ cần ý thức điều này, nếu không sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng các chính sách về TTO, theo Elizabeth Ritter.

Tương tự như Việt Nam, khó khăn lớn nhất mà phần lớn TTO trên thế giới thường gặp phải giai đoạn đầu mới thành lập là thiếu nhân lực có kinh nghiệm để vận hành TTO. “Chúng tôi phải thực hiện mà không có bất cứ hiểu biết nào, điều này rất khó”, ông Cahoon nói. “Chúng tôi phải tìm người vừa có hiểu biết về công nghệ lại vừa hiểu về kinh doanh và làm việc toàn thời gian để vận hành TTO. Cũng như các bạn bây giờ, chúng tôi cũng phải học hỏi những kiến thức đầu tiên về TTO”, ông chia sẻ trong bài giảng về cách xây dựng cơ cấu tổ chức của TTO trong khuôn khổ hội thảo. Trong vòng bốn ngày, ông và các chuyên gia WIPO đã trình bày cặn kẽ về các nội dung: cách lựa chọn người đứng đầu TTO, cơ cấu tổ chức và quản trị của TTO; cách tiếp cận tác giả sáng chế, đánh giá và lựa chọn công nghệ để thương mại hóa; marketing công nghệ; tìm kiếm đối tác nhượng quyền tiềm năng; xây dựng thỏa thuận nhượng quyền, thậm chí những chi tiết nhỏ nhất như cách gọi điện thoại, gửi email cho đối tác, chọn bao nhiêu người đi đàm phán, có nên đưa nhà sáng chế cùng đi đàm phán hay không,… cũng được giải thích kỹ càng.

Các chuyên gia lưu ý, việc đầu tư xây dựng các TTO cần một quá trình dài. Ở những quốc gia có nền công nghiệp phát triển và dẫn đầu trong xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo như Mỹ, Pháp,… TTO cũng phải mất khoảng 10 năm để có thể tự hoạt động ổn định, bà Ritter cho biết. “Chính phủ cần ý thức điều này bởi đôi khi họ lầm tưởng rằng chỉ cần có TTO là đảm bảo được hoạt động chuyển giao công nghệ của các viện, trường – điều này sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng các chính sách về TTO”.

Ngoài ra, quá trình đầu tư TTO thành công nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào nhân lực khoa học và môi trường công nghiệp của mỗi nước. “Khi có nhiều nhà nghiên cứu mạnh, bạn đã có nguồn lực chính để thành lập TTO”, bà Ritter nhận xét. Bên cạnh đó, nhu cầu đổi mới và sáng tạo của các doanh nghiệp cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các TTO. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy ở các quốc gia như Mỹ, Pháp, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,… – có số lượng các nhà nghiên cứu cao và nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ nên đã tạo ra thị trường công nghệ với nguồn cung – cầu lớn.

Ở các quốc gia có nền KH&CN phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Đức,… văn phòng chuyển giao công nghệ (TTO) được coi là giải pháp hiệu quả để thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các viện, trường. Mỗi viện, trường sẽ có một TTO “đồng hành” với nhà nghiên cứu từ “A đến Z” quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu: từ tiếp nhận sáng chế – đánh giá tiềm năng – nộp đơn bảo hộ – tìm kiếm đối tác – soạn thảo hợp đồng. “Phần lớn hoạt động chuyển giao công nghệ ở các viện trường trên thế giới đều được thực hiện thông qua TTO”, bà Yumiko Hamano, chuyên gia tư vấn về sở hữu trí tuệ ở WIPO cho biết.

Thanh An (khoahocvaphattrien)

Hợp tác khoa học Việt Nam – Vương quốc Anh không chỉ góp phần vào sự tiến bộ chung của khoa học mà còn đem lại những kết quả ứng dụng thực tiễn rất có ý nghĩa với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như y học, nông nghiệp, phục hồi môi trường.

Cần tầm nhìn dài hạn và chấp nhận rủi ro
Gần 30 năm trước đây, Việt Nam là một trong những vùng trũng về sốt rét, với hàng triệu ca bệnh và hàng nghìn người thiệt mạng hằng năm. Để tìm ra giải pháp cho tình trạng dó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tại TP HCM và Quỹ Wellcome Trust đã thành lập một đơn vị nghiên cứu lâm sàng để nghiên cứu về vai trò của artesunate – một hoạt chất chống bệnh sốt rét (sau này được chính thức lấy tên là Đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford – OUCRU).
Kết quả thử nghiệm lâm sàng thành công từ nghiên cứu này không chỉ cứu chữa được cho hàng triệu ca bệnh ở Việt Nam mà còn là đóng góp quan trọng trong nghiên cứu về sốt rét trên thế giới vào thời điểm đó. Hàng loạt nghiên cứu của OUCRU sau này về các bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm như uốn ván, nhiễm trùng não, sốt xuất huyết… cũng đều là những “nghiên cứu tiên phong trên thế giới và đem lại đóng góp to lớn trong y tế cộng đồng”, theo như chia sẻ của GS Guy Thwaites tại Hội thảo Hợp tác KH&CN Việt Nam – Vương quốc Anh: Thành tựu và định hướng hợp tác tương lai do Bộ KH&CN phối hợp với Đại sứ quán Anh tổ chức ngày 18/9.
Câu chuyện của OUCRU cũng chỉ là một trong những minh chứng tiêu biểu cho sự phối hợp nghiên cứu lâu dài và hiệu quả giữa các nhà khoa học và nhà quản lý hai nước. Đại sứ Vương quốc Anh Gareth Ward cho biết, kể từ năm 2010, quan hệ hợp tác khoa học Việt – Anh đã trở thành một nội dung chiến lược.
TS. Dương Ngọc Tú cùng đồng nghiệp Anh trao đổi về sản phẩm tinh chất nghệ.
Chỉ trong vòng bốn năm qua, thông qua Quỹ Newton Việt Nam, khoảng 8,4 triệu bảng Anh đã được giải ngân cho nghiên cứu KH&CN và đổi mới sáng tạo. Hơn 10 chương trình được triển khai trong khuôn khổ của Quỹ Newton đã kết nối đa dạng các nhóm đối tượng trong cộng đồng khoa học hai nước. Quỹ cũng tài trợ gần 200 suất học bổng cho các mối hợp tác giữa 81 cơ quan nghiên cứu của Việt Nam và 58 tổ chức của Anh. Nhờ vậy, nhiều nhà khoa học của hai nước lần đầu tiên có cơ hội hợp tác nghiên cứu với nhau.
Nhìn nhận lại quá trình hợp tác nghiên cứu giữa hai nước, GS Guy Thwaites cho rằng, yếu tố cốt lõi để đưa tới thành công trong hợp tác nghiên cứu là tầm nhìn lâu dài và niềm tin. “25 năm trước, những nghiên cứu của chúng tôi đều rất mạo hiểm và nhiều rủi ro. Nếu lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ KH&CN, Bệnh viện các Bệnh Nhiệt đới không có tầm nhìn và chấp thuận mạo hiểm, sẽ rất khó có được kết quả như ngày hôm nay. Lý do khiến các hợp tác nghiên cứu của chúng tôi thành công từ trước tới nay đến từ sự tin cậy giữa hai bên” – GS. Guy Thwaites nói. OUCRU luôn nhận được cam kết lâu dài của ĐH Oxford, nhằm đảm bảo nguồn tài chính cho nghiên cứu và cả tăng thêm ngân sách nghiên cứu mỗi khi cần thiết.
Tập trung giải quyết những vấn đề bức thiết của Việt Nam
Nhiệm vụ của OUCRU là “giúp cải thiện sức khỏe của người dân Việt Nam và khu vực”. Các chương trình nghiên cứu hợp tác giữa hai nước trong phạm vi tài trợ của Quỹ Newton cũng đều đặt mục tiêu sử dụng các thành tựu khoa học tiên tiến của thế giới để cùng tìm ra những giải pháp cho những vấn đề thực tiễn cấp bách ở Việt Nam. Hầu hết các kết quả nghiên cứu đã được đưa vào ứng dụng rộng rãi, có vai trò quan trọng với đời sống và sinh kế của người dân.
Như nghiên cứu giải mã thành công gene của 36 giống lúa bản địa, là công trình đầu tiên giải mã thành công hoàn chỉnh hệ gene đầy đủ của cây lương thực rất quan trọng với người Việt – do các nhà khoa học tại Viện Di truyền nông nghiệp, Bộ NN&PTNT thực hiện. Hiện nay Viện cũng đang được phía bạn hỗ trợ triển khai pha 2 của dự án nhằm tiếp tục giải mã gene 600-800 giống lúa của Việt Nam để xây dựng ngân hàng gene các giống lúa phục vụ cho công tác nghiên cứu và chọn tạo giống của Việt Nam.
Các hợp tác nghiên cứu khác cũng đặt mục tiêu nhắm tới những nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội. Dự án “Thực hiện các giải pháp tổng thể nhằm phát triển các sản phẩm có chất lượng cao từ cây Nghệ (Curcuma longa) của Việt Nam” do TS Dương Ngọc Tú, Viện Hóa học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) thực hiện đã chiết xuất thành công tinh chất nghệ Curcumin tự nhiên siêu hòa tan từ củ nghệ, nhờ đó thúc đẩy xây dựng vùng nguyên liệu bền vững cho người nông dân ở các khu vực miền núi phía Bắc. Cũng trong hội thảo, kết quả nghiên cứu này đã được ký kết chuyển giao cho công ty Techbifarm để thương mại hóa sản phẩm.
Trước những kết quả đó, nhìn nhận về tương lai của hợp tác KH&CN giữa hai nước, Đại sứ Gareth Ward đã khẳng định: “Vương quốc Anh cam kết tiếp tục thể hiện vai trò đầu tàu về khoa học và đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới, tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam, khai thác tiềm năng tốt nhất của mỗi bên và hỗ trợ những hoạt động KH&CN có ý nghĩa với đời sống và sinh kế.
Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển các chương trình nghiên cứu thuộc các lĩnh vực là ưu tiên quốc gia của Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cũng nhấn mạnh, khoa học và đổi mới sáng tạo là nội dung hợp tác ngày càng quan trọng và được mở rộng trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.
Một số mốc trong quan hệ ngoại giao khoa học Việt – Anh

Năm 2010: Việt Nam và Vương quốc Anh trở thành đối tác chiến lược, lúc này hợp tác khoa học chỉ là một phần nhỏ trong mối quan hệ tổng thể giữa hai bên.

Năm 2014: Khởi động Quỹ Newton của Chính phủ Anh là một mô hình tài trợ mới cho các hoạt động hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu của Vương quốc Anh và Việt Nam nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả các công trình nghiên cứu.

Năm 2015: Chính phủ Anh cũng triển khai Quỹ Nghiên cứu Thách thức Toàn cầu (GCRF). Việt Nam cũng hưởng lợi từ hai dự án của Quỹ.

Bích Ngọc

Mặc dù góp phần xây dựng những vấn đề mang tính nền tảng, thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp nhưng chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” vẫn cần phải mở rộng hơn nữa các hoạt động đó trên quy mô lớn và trong các loại hình doanh nghiệp.

Phòng thử nghiệm thành thạo của Quatest 1. Nguồn: Quatest 1

Phòng thử nghiệm thành thạo của Quatest 1.

Giữa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp do Bộ KH&CN quản lý, chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” có một vị trí đặc biệt. Không tác động thẳng đến việc ra đời các sản phẩm mới, các hàng hóa mới của doanh nghiệp như các chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia, chương trình quốc gia Phát triển công nghệ cao hay chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước, chương trình Năng suất chất lượng tạo dựng một khuôn khổ vững chắc cho các hàng hóa đó thông qua việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng như và áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình công cụ cải tiến năng suất và chất lượng ở doanh nghiệp.

Do đó, tại hội nghị ban điều hành chương trình quốc gia Năng suất chất lượng năm 2019 diễn ra vào ngày 19/12/2019, nhìn lại những tác động “ngầm” đó của chương trình sau gần 10 năm triển khai, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng: “Khi chúng ta tập trung coi doanh nghiệp là trung tâm và lấy việc hỗ trợ đổi mới của doanh nghiệp bằng cơ chế chính sách, bằng thúc đẩy áp dụng KH&CN, những hoạt động của chương trình đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng của sản phẩm hàng hóa một cách thiết thực. Sư lan tỏa của những chương trình như vậy đã cho thấy có sự thay đổi và chuyển biến trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam”.

Những giá trị lan tỏa

Tại phiên họp ban điều hành, ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiểu chuẩn Đo lường chất lượng – đơn vị được Bộ KH&CN giao làm đầu mối quản lý và kết nối với các đơn vị trong và ngoài Bộ trong triển khai chương trình – đã nhìn nhận lại chín dự án thành phần, trong đó có hai dự án quan trọng là “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” và “Thúc đẩy hoạt động Năng suất chất lượng” do Bộ KH&CN chủ trì. Với việc thực hiện các dự án này, chương trình Năng suất chất lượng đã lan tỏa ở khắp các lĩnh vực quan trọng của đời sống kinh tế xã hội đất nước: các ngành công nghiệp, chế biến (Bộ Công thương chủ trì), các ngành nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi, phòng chống thiên tai… (Bộ NN&PTNT chủ trì), các ngành dược phẩm, thiết bị y tế, khám chữa bệnh (Bộ Y tế chủ trì), các sản phẩm vật liệu xây dựng, xi măng, gạch ốp lát… (Bộ Xây dựng), các lĩnh vực sản xuất thiết bị thông tin và truyền thông, sản phẩm tổng đài, thiết bị đầu cuối… (Bộ TT&TT).

Nói đến ý nghĩa của chương trình, đại diện Cục KHCN và Đào tạo (Bộ Y tế), nơi mới thực hiện được ba dự án về xây dựng các tiêu chuẩn về kiểm nghiệm mĩ phẩm, dược phẩm, an toàn thực phẩm, trang thiết bị y tế, cho rằng xét cho đến cùng thì “việc ban hành hơn 700 quy chuẩn kỹ thuật trong đăng ký khám chữa bệnh cũng là để nâng cao năng suất, chất lượng trong công tác bảo vệ sức khỏe người dân và góp phần hỗ trợ ngành Y tế giảm tải cho các bệnh viện”. Anh cũng cho biết thêm, trong năm 2019, đề án xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế được phê duyệt với kỳ vọng tạo điều kiện cho “các bệnh viện có thể chấm điểm và đánh giá chất lượng, đưa ra các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng khám chữa bệnh”.

Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể lượng hóa những tác động mà các hoạt động này đem lại vì nó thường bị “ẩn” trong hoạt động liên quan như R&D, đổi mới sáng tạo khác. Nhưng khi nhìn vào dự án “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” đã được triển khai từ năm 2011 mới thấy rõ những tác động của nó: nếu trước đây, việc xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam (quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động KT-XH nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả…), quy chuẩn Việt Nam (quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động KT-XH phải tuân thủ…) là điểm yếu thì nay một bức tranh hoàn toàn mới xuất hiện. Theo ông Hà Minh Hiệp, “chỉ tính riêng trong năm 2019, dự án đã đem lại gần 900 tiêu chuẩn Việt Nam, trong đó Bộ KH&CN xây dựng hơn 500 tiêu chuẩn, xã hội hóa được 12 tiêu chuẩn, 1 quy chuẩn làm theo đặt hàng của các hiệp hội và doanh nghiệp (sử dụng kinh phí của doanh nghiệp). Đây là chỉ dấu cho thấy xã hội quan tâm đến lĩnh vực này”. Hơn 250 tiêu chuẩn do các bộ, ngành xây dựng đã được chuyển tới Bộ KH&CN thẩm định, trong đó nhiều nhất là Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT.

Nhằm phổ biến sâu rộng các quy định mới này, các thành viên thực hiện dự án đã chú trọng đến việc phổ biến thông qua các chương trình hướng dẫn trên quy mô toàn quốc. Nhờ vậy hơn 350 tiêu chuẩn đã được giới thiệu cho hơn 2.000 tổ chức, doanh nghiệp, những người sẽ buộc phải áp dụng và tuân thủ các quy định đó trong quá trình quản lý, điều hành doanh nghiệp và sản xuất hàng hóa. Việc đưa các hoạt động này vào khung khổ đã buộc họ phải lượng hóa một cách chặt chẽ cả những quy định cơ bản của mình, ví dụ như chú trọng hơn đến những tiêu chuẩn cơ sở – tiêu chuẩn do tổ chức, đơn vị sự nghiệp, sản xuất xây dựng phù hợp với trình độ KH&CN và dựa trên các kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm, nhu cầu và khả năng thực tiễn… Ông Hà Minh Hiệp nhận xét, “bên cạnh tiêu chuẩn quốc gia thì tiêu chuẩn cơ sở cũng đóng vai trò quan trọng nhưng từ trước đến nay, tiêu chuẩn cơ sở vẫn là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam. Trong năm vừa qua, chúng tôi đã tổ chức hướng dẫn về xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho 1.500 doanh nghiệp”.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, tham quan Phòng thí nghiệm của UL đặt tại Quatest 3. Ảnh: Ngũ Hiệp

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, tham quan Phòng thí nghiệm của UL đặt tại Quatest 3. Ảnh: Ngũ Hiệp

Việc xây dựng những tiêu chuẩn và quy chuẩn này không chỉ nhằm quản lý các hoạt động sản xuất và thúc đẩy những sản phẩm hàng hóa trong thị trường Việt Nam, nó còn bao hàm cả việc đảm bảo cho những sản phẩm đó tham gia được thị trường quốc tế và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể chủ động thực hiện kế hoạch kinh doanh, phát triển sản phẩm của mình. Do đó, ông Hà Minh Hiệp nhấn mạnh đến “sự hài hòa” của các tiêu chuẩn, quy chuẩn được xây dựng với các tiêu chuẩn quốc tế đi kèm với các hoạt động đáng chú ý khác: mở rộng mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp đạt chuẩn mực quốc tế, được thừa nhận ở EU, APEC..; đưa 100% phòng thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực đạt trình độ quốc tế; ký kết và thực hiện các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với các nước… Ví dụ, hiện nay trong lĩnh vực điện – điện tử trong ASEAN, Việt Nam có hai tổ chức thử nghiệm được chỉ định là Quatest 1 và 3, một tổ chức chứng nhận được chỉ định là Quacert; trong lĩnh vực sản phẩm hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ KH&CN có 45 tổ chức thử nghiệm được thừa nhận kết quả thử nghiệm…

Và những vấn đề cần phải được mở rộng và khai thông

Qua các hoạt động của chương trình Năng suất chất lượng, từ Bộ KH&CN đến các bộ ngành có liên quan như Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng…, có thể dễ dàng cảm nhận được mong muốn của những người tham gia thực hiện dự án: tuyên truyền tạo ra chuyển biến cho các đối tượng chính là các doanh nghiệp hiểu rõ hơn giá trị mà chương trình có thể mang lại, không dừng lại ở câu mang tính “khẩu hiệu hô hào” là “nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm” mà thực chất là “hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy năng suất nội ngành và qua đó là của cả ngành kinh tế” như đánh giá của ông Hà Minh Hiệp. Tuy nhiên có một thực tế là các doanh nghiệp cũng như nhiều đơn vị hành chính sự nghiệp vẫn còn chưa nhận thức hết được tác động đó. Đại diện Vụ KHCN và môi trường (Bộ Xây dựng) nêu một phần nhỏ của bức tranh chung đó: “Khi mình đặt vấn đề hoặc tuyên truyền phổ biến giải pháp năng suất, các doanh nghiệp đều không mặn mà, ngoại trừ khối doanh nghiệp tư nhân phía Nam, còn lại các doanh nghiệp lớn, cổ phần hóa nhà nước đều chưa thực sự quan tâm”. Mặc dù lý giải một phần nguyên nhân có thể là “do tuyên truyền gấp gáp nên chưa lan tỏa được giá trị” nhưng anh cũng chỉ ra một vấn đề: khi doanh nghiệp nhận thấy những điều sẽ được hưởng, họ sẽ có thái độ khác, “ví dụ khi ‘động’ đến vấn đề về sự phù hợp thừa nhận lẫn nhau trong các quốc gia ASEAN về vật liệu xây dựng, kính, xi măng, ốp lát… thì ‘hô’ một tiếng là các hiệp hội đến ngay lập tức nhưng cứ động đến năng suất thì lại họ không quan tâm”.

Vấn đề đại diện Vụ KHCN và Môi trường (Bộ Xây dựng) đề cập đến cũng là điều mà đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho là tồn tại trong nhiều chương trình hợp tác giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, không riêng gì với chương trình Bộ KH&CN quản lý mà xuất hiện cả ở những chương trình do các Bộ khác quản lý. “Chúng ta vẫn thường nói doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà, chưa được tiếp cận chương trình. Tôi thấy đây là điều nhiều chương trình vướng cả. Vì vậy, tôi muốn chúng ta cần đánh giá là tại sao nhiều chương trình như vậy mà doanh nghiệp người ta chưa tiếp cận được? do cơ chế chính sách, do thông tin tuyên truyền?… để tìm bất cập ở điểm gì. Có nhiều chương trình khiến doanh nghiệp ‘né gần chết’ vì họ sợ phải tham gia”.

Chia sẻ tại cuộc họp của một đại biểu cũng đưa ra một lát cắt khác: khi chị đi công tác tại Thái Nguyên, nơi có nhiều doanh nghiệp nghề truyền thống, chế biến, may mặc, thì được nhiều doanh nghiệp trao đổi là chưa từng nghe được thông tin nào về chương trình này, dù rất mong muốn có được những bộ công cụ cải tiến năng suất, chất lượng một cách hiệu quả.

Lý giải một phần những vấn đề đặt ra cho Chương trình Năng suất, chất lượng, ở góc độ nhà quản lý, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến các doanh nghiệp còn chưa quan tâm hoặc e ngại hợp tác, một trong số đó là vướng mắc chung trong quy trình thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ KH&CN hiện nay: từ nộp hồ sơ đến khi được thông qua thì chỉ còn vài tháng là hết năm. “Những bất cập trong cơ chế hợp tác với doanh nghiệp trong một số dự án đổi mới công nghệ dẫn đến việc khi họ bắt tay vào làm rồi mà chúng ta chưa xong thủ tục. Đó là cơ chế của chúng ta vẫn còn đi sau, đi chậm so với tốc độ triển khai của các dự án đổi mới của doanh nghiệp”, ông nói.


Một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp còn chưa quan tâm hoặc e ngại hợp tác với chương trình là do những vướng mắc trong quy trình thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ KH&CN hiện nay, từ nộp hồ sơ đến khi được thông qua thì chỉ còn vài tháng là hết năm.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng


Mặt khác, Phó tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp cũng thừa nhận, một nguyên nhân quan trọng là đội ngũ chuyên gia về năng suất chất lượng mà chương trình đào tạo vẫn còn ở mức khiêm tốn, trong khi để thuyết phục được các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI phải có những chuyên gia giỏi, tinh thông cả lý thuyết lẫn thực hành. Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới, chương trình sẽ hướng tới việc nhân rộng, triển khai giới thiệu trong trường đại học, ưu tiên tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp tham gia các chuỗi cung ứng…

Nhìn rộng ra, để những chương trình có nội dung thiết thực như Chương trình năng suất chất lượng lan tỏa thông tin tới các doanh nghiệp và tổ chức, cần thiết kết nối với một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khác.


Chúng ta nên kết nối Chương trình Năng suất chất lượng với Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ của Cục Sở hữu trí tuệ với nhau ở một mức độ nào đó để đồng hành phối hợp tuyên truyền. Việc chủ động kết nối sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện đổi mới dễ dàng hơn

Ông Lê Tất Chiến – Cục Sở hữu trí tuệ


Với mong muốn có một chương trình hoàn thiện hơn và phát huy hiệu quả hơn, đại diện VCCI và các bộ tham gia chương trình đều mong muốn chương trình kéo dài đến năm 2030, “sau khi các tiêu chí kỹ thuật đánh giá hoàn thiện hệ thống đánh giá liên bệnh viện được hoàn thiện thì sẽ phổ biến áp dụng cho tất cả hệ thống bệnh viện hoặc nghiên cứu hoàn thiện có thể được ban hành thành tiêu chuẩn quốc gia, đưa vào dự thảo Luật khám chữa bệnh và luật hóa. Như vậy, chúng tôi sẽ có điều kiện phổ biến và chính thức áp dụng tại các bệnh viện”, theo đề đạt của đại diện Cục KHCN và Đào tạo (Bộ Y tế).

Anh Vũ (khoahocvaphattrien)