Với mong muốn trang bị, cập nhật các kiến thức về quản trị về tài sản trí tuệ giúp Doanh nghiệp khởi nghiệp tăng cường nhận diện các tài sản trí tuệ, phát triển các tài sản trí tuệ, giảm thiểu các rủi ro khi tham gia thương mại các sản phẩm vào thị trường trong nước cũng như quốc tế, ngày 23/7/2020, Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ Khoa học và Công nghệ (thuộc Cục Công tác phía Nam – Bộ Khoa học và Công nghệ) khai giảng lớp tập huấn “Nhận diện và quản trị các tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” thuộc lĩnh vực doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Nguyễn Mạnh Cường , Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ KH&CN) phát biểu khai mạc lớp tập huấn.
Phát biểu tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, cho biết ở giai đoạn hội nhập quốc tế thì rào cản chính sách thuế bị dỡ bỏ, do đó để bảo vệ nền sản xuất trong nước thì các quốc gia chuyển sang sử dụng rào cản kỹ thuật trong thương mại và quan trọng nhất là sở hữu trí tuệ. Theo ông Cường, doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn tồn tại và phát triển thì cần phải chủ động phòng bị về sở hữu trí tuệ, chẳng hạn như bảo hộ thương hiệu, để có thể bảo vệ tài sản trí tuệ của mình.
Toàn cảnh lớp tập huấn
Nội dung tập huấn gắn liền với sản phẩm trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ, tài sản trí tuệ và tài sản vô hình của một tổ chức, khẳng định vai trò của việc quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các học viên còn tìm hiểu chuỗi giá trị quyền tác giả, bằng độc quyền sáng chế/GPHI và lợi thế pháp lý trong kinh doanh công nghệ mới.
Với những ví dụ điển hình trong thực tế, giảng viên và học viên đã trao đổi và khám phá bối cảnh hình thành sản phẩm trí tuệ cùng những rủi ro liên quan, tài sản trí tuệ – tài sản vô hình trong cấu trúc giá trị của doanh nghiệp. Từ đó làm rõ chức năng quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp, tìm hiểu chiến lược phát triển thương mại trong thủ tục đăng ký sáng chế, phát triển tài sản trí tuệ, giảm thiểu rủi ro khi thương mại hóa sản phẩm vào thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Ngoài ra, Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ Khoa học và Công nghệ cũng hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các quy chế về bảo mật thông tin và quản trị tài sản trí tuệ tại doanh nghiệp.
Nguồn: Trung tâm Ứng dụng và dịch vụ KH&CN- Cục Công tác phía Nam.
Đây là ý kiến thống nhất của các nhà khoa học, trong đó có có các chuyên gia Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Ban chủ nhiệm Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020, Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103, Bộ Y tế và một số đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong cuộc họp bàn giải pháp ứng phó dịch viêm phổi do virus Corona (nCoV) do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc chủ trì, chiều 30/01/2020, tại Hà Nội.
Toàn cảnh buổi họp giữa Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ với các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực dịch tễ, vắc xin
Liên quan đến hành lang pháp lý, cơ chế chính sách cũng như tài chính thực hiện nhiệm vụ, Thứ trưởng Phạm Công Tạc khẳng định sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học bởi đây là nhiệm vụ cấp bách và vô cùng quan trọng. Theo đánh giá của các nhà khoa học, với tốc độ lây nhanh của virus Corona ở Trung Quốc cho thấy tình hình phức tạp của dịch bệnh này. Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng bệnh, nguồn gốc phát sinh dịch bệnh thì có nhiều giả thuyết từ các kết quả nghiên cứu khác nhau, vì thế, Việt Nam cần chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh do virus Corona.
GS.TS. Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đề xuất, Việt Nam phải tự sản xuất sinh phẩm chẩn đoán để chủ động, không thể chờ quốc tế hỗ trợ. Khi có bộ kit test, Việt Nam có thể chủ động sàng lọc các ca nghi vấn để cách ly.
Chủng virus Corona mới ưa lạnh, thời gian ủ bệnh lên đến 14 ngày (trong khi đó hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS thời gian ủ bệnh là 5-7 ngày). Đây là đặc tính của biến chủng mới nên cần phải hết sức lưu ý. GS.TS. Nguyễn Văn Kính lo ngại tình hình căng thẳng hơn nếu dịch bệnh bùng phát ở miền Bắc do thời điểm này trời ẩm, nồm và lạnh và nhất là lúc diễn ra nhiều lễ hội tập trung đông người.
Theo đó, GS.TS. Nguyễn Văn Kính đặc biệt lưu ý việc phòng tránh lây lan bệnh ở những nơi công cộng, càng đông càng dễ lây, đặc biệt những bệnh viện lớn, tập trung đông bệnh nhân và người nhà. Đồng quan điểm, PGS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc chủ động sản xuất kit test giúp rút ngắn thời gian phát hiện bệnh nhân đồng thời phải nghiên cứu dịch tễ học ngay từ đầu để có thể thu thập được số liệu một cách đồng bộ từ những ca bệnh đầu tiên.
PGS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho đơn vị có năng lực và trình độ nghiên cứu sản xuất nhanh bộ kit test, đồng thời nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, dịch tễ học phân tử, đặc điểm virus học về bệnh này.
Về sản xuất vắc xin phòng bệnh do virus nCoV, TS. Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 cho rằng cần một quá trình ít nhất sau 3 tháng để khẳng định tính khả thi. Công ty đã chủ động liên hệ với phía Anh, đề nghị giúp Việt Nam trong việc phát triển vắc xin phòng bệnh do virus nCoV.
GS.TS. Lê Bách Quang – Thành viên Ban chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 phân tích: Cơ sở khoa học để trả lời về virus Corona còn nhiều điều phải nghiên cứu. Trong tình hình cấp bách hiện nay và nguy cơ bùng phát dịch bệnh do virus nCov lớn hơn dịch SARS trước đây nên cần phải phản ứng nhanh, ngay từ bây giờ phải nghiên cứu về dịch tễ học, vius học và phải tư vấn với Chính phủ về phản ứng ứng phó…
Trao đổi tại cuộc họp, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho rằng, mặc dù Việt Nam vẫn được các tổ chức y tế quốc tế quan tâm hỗ trợ, Tổ chức Y tế Thế giới cũng cung cấp vật mồi cho Việt Nam trong việc xét nghiệm chủng virus Corona mới nhưng các nhà khoa học Việt Nam cần quyết liệt vào cuộc để có phản ứng đúng mức với dịch bệnh mới này trên cơ sở khoa học.
Thống nhất quan điểm với các nhà khoa học, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đề nghị các nhà khoa học cần tập trung nghiên cứu xây dựng bộ kit test nhanh trong thời gian sớm nhất, bên cạnh đó cũng xây dựng các đề tài nghiên cứu về dịch tễ học với chủng virus corona mới, nghiên cứu về lâm sàng chủng virus để từ đó nghiên cứu vắc xin điều trị./.
Nguồn: most.gov.vn
Trong thời gian tới, Việt Nam có thể xuất hiện thêm nhiều trường hợp dương tính với virus nCoV, song với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, với trình độ và năng lực đã được minh chứng, ngành y tế Việt Nam tự tin sẽ đủ khả năng ngăn chặn dịch bệnh này.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại cuộc họp. Ảnh VGP/Trần Mạnh
Chiều 03/02/2020, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra đã tiến hành cuộc họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Tỷ lệ tử vong do nCoV không cao như dự đoán
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch cho biết, tính đến thời điểm trưa 03/02/2020, thế giới đã ghi nhận 17.386 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, trong đó có 362 trường hợp tử vong, chiếm khoảng 2% (361 trường hợp tử vong tại Trung Quốc và 1 trường hợp tử vong tại Philippines).
Tại Trung Quốc đã ghi nhận 17.205 trường hợp tại 31/31 tỉnh/thành phố. Còn trên thế giới, dịch bệnh này đã lây lan tới 26 quốc gia và vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) với 184 trường hợp mắc bệnh (Nhật Bản: 20, Thái Lan: 19, Singapore: 18, Hàn Quốc: 15, Hongkong (TQ): 14, Australia: 12, Mỹ: 11, Đài Loan (TQ): 10, Đức: 10, Malaysia: 8, Macau (TQ): 8, Việt Nam: 8, Pháp: 6, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất: 5, Canada: 4, Italy: 2, Anh: 2, Nga: 2, Philippines: 2 (1 tử vong), Ấn Độ: 2, Campuchia: 1, Phần Lan: 1, Nepal: 1, Sri Lanka: 1, Thuỵ Điển: 1, Tây Ban Nha: 1).
Cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra lây lan nhanh hơn nhưng tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều lần so với Hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS-CoV. Cụ thể, chỉ trong chưa đầy 1 tháng (tính từ ngày 8/12/2019 đến ngày 3/2/2020) virus nCoV đã làm 17.386 người mắc bệnh, 362 người tử vong. Trong khi đó từ tháng 11/2002 đến tháng 7/2003 (9 tháng) SARS-CoV chỉ làm 8096 người mắc bệnh, nhưng có tới 774 người tử vong, tỷ lệ người tử vong lên tới 9,6%.
Ảnh VGP/Trần Mạnh
Ngành Y tế tự tin
Thông tin về tình hình dịch bệnh do virus nCoV gây ra trên lãnh thổ Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết đến thời điểm hiện tại Việt Nam mới chỉ có 8 người nhiễm bệnh (dương tính với nCoV). Số trường hợp nghi ngờ là 303 người, trong đó đã loại trừ 214 người (âm tính) còn lại 89 người đang chờ kết quả xét nghiệm.
So với ngày 02/02/2020, số nghi ngờ tăng thêm 67 trường hợp, ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc bệnh tại tỉnh Vĩnh Phúc (hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh); chúng ta cũng đã loại trừ được thêm 51 trường hợp; số trường hợp nghi ngờ đang được cách ly theo dõi, điều trị, chờ kết quả xét nghiệm tăng 37 trường hợp; số trường hợp nghi ngờ tiếp xúc gần đang được theo dõi sức khoẻ tăng 16 trường hợp.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết đặc tính của dịch bệnh do virus nCoV là lây lan rất nhanh. Ban đầu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo tỷ lệ tử vong có thể lên tới 3%, nhưng thực tế cho thấy đến thời điểm hiện tại, ở Trung Quốc, tỷ lệ này mới ở mức 2%.
Còn ở nước ta, đến thời điểm hiện tại mới có 8 người mắc bệnh và chưa có cán bộ y tế nào bị lây nhiễm bệnh. Đáng chú ý, trong số những người mắc bệnh, chúng ta đã chữa khỏi cho 2 người (1 bệnh nhân điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM, 1 bệnh nhân ở Thanh Hóa); 4 người còn lại tình hình sức khỏe cũng đang tiến triển tích cực.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn để có được kết quả trên là nhờ chúng ta đã vào cuộc rất quyết liệt với các phương án toàn diện, hiệu quả để sẵn sàng phát hiện, khoanh vùng, cách ly, điều trị, dập dịch.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng dự đoán trong thời gian tới, dịch bệnh này còn diễn biến phức tạp ở Trung Quốc và lan nhanh ra nhiều nước. Cùng với sự phát triển của các thiết bị xét nghiệm mới giúp phát hiện người mắc bệnh nhanh hơn, ở trong nước có thể xuất hiện thêm nhiều trường hợp dương tính với virus nCoV, song với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, với trình độ và năng lực đã được minh chứng, Ngành Y tế Việt Nam tự tin sẽ đủ khả năng ngăn chặn dịch bệnh này./.
Theo Bộ Y Tế (moh.gov.vn)
Ngày 26/4 hằng năm, chúng ta đều kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới để tìm hiểu về vai trò của quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong việc khuyến khích đổi mới và sáng tạo. Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2020 đặt đổi mới sáng tạo – và các quyền SHTT hỗ trợ đổi mới sáng tạo – là trung tâm của những nỗ lực tạo ra một tương lai xanh. Tại sao? Bởi vì những lựa chọn chúng ta đưa ra hôm nay sẽ định hình tương lai của chúng ta mai sau. Trái đất là nhà của chúng ta. Chúng ta cần quan tâm đến Trái đất.
Xác định một lộ trình đến tương lai xanh là một yêu cầu cấp bách hiện nay. Tất cả chúng ta đều chia sẻ thử thách này và mỗi người có một vai trò trong việc xây dựng một tương lai xanh. Điều này đòi hỏi nỗ lực lớn lao và đa chiều, nhưng như nhà tự nhiên học nổi tiếng David Attenborough đã lưu ý “với tư cách là một giống loài, chúng ta là những chuyên gia giải quyết vấn đề”. Chúng ta có thể tạo ra một tương lai xanh.
Chúng ta có trí tuệ, sự khéo léo và khả năng sáng tạo tập thể để đưa ra những cách thức mới, hiệu quả hơn nhằm định hình một tương lai ít carbon. Nhưng chúng ta phải hành động ngay!
Chiến dịch cho Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2020 đặt đổi mới sáng tạo – và các quyền SHTT hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo – là trung tâm của những nỗ lực tạo ra một tương lai xanh. Tại sao? Bởi vì những lựa chọn chúng ta đưa ra hôm nay sẽ định hình tương lai của chúng ta mai sau. Trái đất là nhà của chúng ta. Chúng ta cần quan tâm đến Trái đất.
Chiến dịch cũng tôn vinh nhiều nhà sáng chế và sáng tạo truyền cảm hứng trên khắp thế giới đang đánh cược vào một tương lai xanh – họ những phụ nữ, nam giới và những người trẻ tuổi đang làm các công việc nhằm tạo ra sự thay thế sạch hơn cho các công nghệ dựa trên nhiên liệu hóa thạch, các hệ thống kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thực phẩm hiệu quả và bền vững hơn và cả những người đang sử dụng hệ thống SHTT để hỗ trợ công việc của họ cũng như tiếp thu và sử dụng trong cộng đồng.
Chúng ta khám phá cách thức mà một hệ thống SHTT cân bằng và mạnh mẽ có thể thúc đẩy sự xuất hiện của một nền kinh tế xanh cùng cộng sinh với các hệ thống hỗ trợ sự sống của Trái đất. Chúng ta xem xét cách thức mà hệ thống bảo hộ bằng độc quyền sáng chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển và phổ biến các công nghệ thân thiện với môi trường, cho phép chúng ta giải quyết khủng hoảng khí hậu và xây dựng một tương lai xanh; cách thức mà tư duy sáng tạo và quyền đối với kiểu dáng cùng nhau khuyến khích việc sử dụng tối ưu các nguồn lực, cho phép các nhà thiết kế đầu tư thời gian và tài năng vào việc tạo ra cho người tiêu dùng các sản phẩm hữu ích, hấp dẫn và thân thiện với môi trường.
Chúng ta xem xét cách thức mà các nhãn hiệu và các chỉ dẫn khác hỗ trợ vào việc hình thành và phát triển của các doanh nghiệp dựa trên các nguyên tắc bền vững về môi trường, cho phép họ cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường đa dạng hơn.
Chúng ta nhận thấy cách thức mà các quyền như chỉ dẫn địa lý đang khuyến khích sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững hơn và quyền đối với giống cây trồng đang thúc đẩy sự phát triển của các loại cây trồng mạnh mẽ hơn nhằm hỗ trợ giải quyết vấn đề an ninh lương thực toàn cầu.
Và chúng ta thấy được cách thức mà những nhà sáng tạo – những người thông qua hệ thống quyền tác giả có thể kiếm sống từ những tác phẩm của họ – có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra tầm nhìn về một tương lai xanh và những lợi ích chưa từng thấy.
Như Einstein đã từng lưu ý, chúng ta không thể liên tục làm một việc lặp đi lặp lại và mong đợi những kết quả khác nhau. Nếu chúng ta muốn có kết quả khác nhau, chúng ta cần phải đổi mới trong cách tiếp cận, trong suy nghĩ và mô hình kinh doanh của mình.
Cam kết của chúng ta, những lựa chọn mà chúng ta thực hiện mỗi ngày, những sản phẩm chúng ta mua, những nghiên cứu chúng ta tài trợ, những công ty chúng ta hỗ trợ và những chính sách và luật pháp chúng ta thiết lập sẽ quyết định tương lai của chúng ta xanh như thế nào. Với tư duy đổi mới sáng tạo cùng chiến lược sử dụng quyền sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững là trong tầm tay.
Hãy cùng chúng tôi khám phá vai trò của đổi mới sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ trong việc mở ra một con đường dẫn đến một tương lai xanh. Chia sẻ những thành quả đổi mới sáng tạo xanh yêu thích của bạn và cho chúng tôi biết bạn sẽ thúc đẩy năng lực xanh của mình như thế nào./.
Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn
(dịch từ bản tiếng Anh https://www.wipo.int/ip-outreach/en/ipday/)