Chiều ngày 24/5, tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Phát triển Dịch vụ và Khai thác hạ tầng khoa học và công nghệ (viết tắt là Trung tâm CSID) tổ chức lễ ra mắt. Buổi lễ được tổ chức trang trọng trong chuỗi sự kiện chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ 18/5, Kỷ niệm 65 năm Thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tham dự sự kiện có hơn 200 đại biểu đại diện đơn vị các Bộ ngành Trung ương tại TP.HCM, Sở KH&CN, Trung tâm Ứng dụng KH&CN phía Nam; các doanh nghiệp KH&CN; Doanh nghiệp chịu tác động môi trường; các Viện trường, Hiệp hội phía Nam và các tổ chức cá nhân quan tâm.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chánh Văn phòng Bộ KH&CN trao giấy chứng nhận KH&CN cho Trung tâm phát triển dịch vụ và khai thác hạ tầng KH&CN (CSID)

CSID ra đời theo quyết định thành lập số 293/QĐ-BKHCN do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 01 tháng 03 nǎm 2024. Trung tâm CSID là tổ chức KH&CN công lập trực thuộc Vǎn Phòng Bộ – Bộ Khoa học và Công nghệ, triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; cung cấp dịch vụ khoa học và công nghệ; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo tại khu vực phía Nam theo quy định của pháp luật.

Tập thể Trung tâm Phát triển dịch vụ và Khai thác hạ tầng KH&CN ra mắt

CSID là đơn vị được giao chủ trì, phối hợp các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp huy động nguồn lực phát triển KH&CN, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới, chuyển giao công nghệ; Tổ chức khai thác hạ tầng khoa học và công nghệ của Bộ tại TP. Hồ Chí Minh; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cơ chế, chính sách khuyến khích để đưa nhanh các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống.

Đây cũng là đơn vị tổ chức thí điểm các hoạt động KH&CN phía Nam, hỗ trợ doanh nghiệp thương mại hóa sản phẩm, thúc đẩy thị trường khoa học và công nghệ. CSID thực hiện các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về khoa học công nghệ, đào tạo quản trị tài sản trí tuệ, hợp tác quốc tế, kết nối các nhà đầu tư… Các lĩnh vực CSID hợp tác phát triển hạ tầng KH&CN, ưu tiên hỗ trợ như năng lượng, vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp xanh, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, logistics…

Phát biểu chúc mừng, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân mong muốn CSID là đơn vị đi tiên phong trong việc tổ chức hoạt động theo mô hình sàn giao dịch công nghệ tại khu vực phía Nam, giúp đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống.

Phát biểu tại lễ ra mắt, Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ nói CSID được thành lập nhằm làm công tác tham mưu, hậu cần, hỗ trợ kết nối cộng đồng, trung tâm kết nối cộng đồng khoa học,… đây là mô hình cung cấp dịch vụ nhằm rút ngắn khoảng cách giữa nhà khoa học với doanh nghiệp, giúp thương mại hóa sản phẩm ra thị trường. CSID luôn ủng hộ, đồng hành cùng các đơn vị, tổ chức, cùng nhau hoàn thành sứ mệnh phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng nghiên cứu vào trong hoạt động sản xuất và dần đi vào đời sống con người.

Đại biểu chụp hình lưu niệm tại buổi lễ ra mắt Trung tâm CSID

Ngày 21 tháng 4 hàng năm được Liên hợp quốc (UN) chọn làm Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới (The World Creativity and Innovation Day) nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong phát triến kinh tế – xã hội, xây dựng xã hội bền vững và thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của con người.
Mục đích của “Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới” hằng năm của Liên hợp quốc góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển bền vững; thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của con người; kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo; thúc đẩy phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với sự gắn kết chặt chẽ giữa khu vực nhà nước; khu vực sản xuất, kinh doanh, đầu tư; khu vực nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và xã hội.
Để hưởng ứng sự kiện quan trọng này, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành văn bản số 1217/BKHCN-ƯDCN đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, đoàn thể Trung ương; ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2024.
Các nội dung được triển khai để hưởng ứng Ngày sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2024 bao gồm: tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2024; lựa chọn khẩu hiệu tuyên truyền, phổ biến về Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới phù hợp với cơ quan, đơn vị; phổ biến sâu rộng về nội hàm, vai trò, vị trí của đổi mới sáng tạo trong phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo; xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023).
Thời gian tổ chức các hoạt động bắt đầu từ ngày 15/4/2024 đến hết ngày 21/4/2024; có thể phối hợp, kết nối với các hoạt động để hướng đến chào mừng Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5.
Hình thức tổ chức: Treo pano, băng rôn, áp phích khẩu hiệu tuyên truyền tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan và các địa điểm phù hợp khác; phối hợp với các cơ quan phát thanh, truyền hình, thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương tăng thời lượng phát sóng, đăng tải các nội dung về kết quả triển khai hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tổ chức các hội thảo chuyên đề, tọa đàm, giao lưu trực tiếp hoặc trực tuyến về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; biểu dương, động viên, khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc, có nhiều đóng góp cho việc thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ngày 26/10 tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Ứng dụng và dịch vụ KH&CN (Thuộc Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN) phối hợp với Viện Khoa học và hợp tác nghiên cứu ASEAN tổ chức tập huấn với chủ đề “Đổi mới sáng tạo cùng phát triển tài sản trí tuệ trong tổ chức, doanh nghiệp” nhằm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa để thúc đẩy, phát huy nguồn lực và tiềm lực cho các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM và các địa phương Đông – Tây Nam Bộ, Chương trình cung cấp, cập nhật kiến thức, phương pháp tiếp cận về đổi mới sáng tạo, quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh.

TS. Lưu Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm khai mạc chương trình cho biết “dịch Covid-19 và các biến động phức tạp về địa chính trị kinh tế thế giới đã và đang ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời các bộ, ngành và địa phương triển khai nhiều chính sách, giải pháp để duy trì và phục hồi kinh tế với Nghị quyết số 58/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị, đặc biệt coi doanh nghiệp là trung tâm để khuyến khích và hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động KH&CN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, và phát triển thị trường KH&CN, góp phần nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đất nước.” và mong muốn khóa tập huấn sẽ được các chuyên gia cung cấp các kiến thức mới và cùng nhau, giao lưu, trao đổi chia sẻ chi tiết các vướng mắc trong các buổi tập huấn nhằm hỗ trợ các đơn vị và doanh nghiệp ngày càng nâng cao nhận thức các hoạt động đổi mới sáng tạo, tài sản trí tuệ trong tổ chức, doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất –kinh doanh bền vững.

Một số hình ảnh lớp học:

Toàn cảnh buổi tập huấn với gần 100 học viên đến từ doanh nghiệp và Viện, Trường, Tổ chức KH&CN

TS. Ngô Đắc Thuần – giảng viên, cùng trao đổi các vấn đề với Doanh nghiệp có các sản phẩm khoa học hỗ trợ sức khỏe

HARAVAN – trình bày chuyên đề “Kinh doanh trong thời đại kỷ nguyên số: Các công cụ và công nghệ có thể sử dụng để nâng cao hiệu quả kinh doanh”

Ngày 18/8, tại TP.HCM, Cục Công tác phía Nam đã tổ chức hội thảo khoa học về đánh giá hiệu quả thực tiễn các phương pháp xét chọn, đánh giá các nhiệm vụ thuộc chương trình KH&CN quốc gia đối với doanh nghiệp.

Tham dự hội thảo gồm có đại diện các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực KH&CN các tỉnh thành phía Nam; các tổ chức KH&CN, viện, trường, cơ quan giáo dục và nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; các doanh nghiệp ứng dụng KH&CN và các nhà nghiên cứu.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng phụ trách Cục công tác phía Nam, Bộ KH&CN phát biểu tại Hội thảo

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng phụ trách Cục công tác phía Nam, Bộ KH&CN cho biết, các nhiệm vụ thuộc chương trình KH&CN quốc gia do Văn phòng các Chương trình KH&CN Quốc gia (Bộ KH&CN) quản lý, gồm một số chương trình như Phát triển sản phẩm quốc gia, Phát triển công nghệ cao, Đổi mới công nghệ, Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, nhiệm vụ KH&CN theo nghị định thư, Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng,…

Trong giai đoạn 2016-2020 đã có 39 chương trình KH&CN quốc gia được triển khai với tổng kinh phí trên 19 nghìn tỉ đồng, chiếm 41,67% tổng số kinh phí sự nghiệp KH&CN. Các Chương trình đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh thu trung bình hằng năm của các doanh nghiệp. Đồng thời, giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa trong quá trình sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Giai đoạn 2021-2030, 17 Chương trình KH&CN Quốc gia đã được Bộ KH&CN phê duyệt. Bộ KH&CN cũng đã tiến hành cơ cấu lại các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 với nhiều điểm mới như bám sát Chiến lược phát triển KT – XH 10 năm 2021-2030 và quan điểm chỉ đạo về lấy doanh nghiệp làm trung tâm, chú trọng thu hút nguồn lực xã hội, đặc biệt là từ Quỹ phát triển KH&CN của các doanh nghiệp. Các chương trình KH&CN quốc gia có sự kết nối, liên thông, có tính ứng dụng cao đối với phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội. Các vấn đề mang tính cấp bách có thể được duyệt ngay, thay vì chờ theo từng đợt như trước đây. Đồng thời, Bộ KH&CN cũng phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành các thông tư liên quan đến tài chính, nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà khoa học.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung chia sẻ các nội dung về nhiệm vụ thuộc Chương trình KH&CN quốc gia đối với doanh nghiệp nhìn từ góc độ quản lý nhà nước tại các tỉnh, thành phía Nam; cũng như hiệu quả ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học từ các Chương trình KH&CN quốc gia tại sản xuất của doanh nghiệp.

Nhiều năm làm khoa học, PGS.TS Phạm Ngọc Tuấn cho biết, các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước khi hoàn thành được coi là tài sản công, do nhà nước quản lý. Điều này một phần khiến các nghiên cứu không được đưa vào thực tiễn sản xuất do vai trò nhà nước trong các kết quả này vẫn còn. Ông đề xuất, nhà nước cần mạnh dạn thí điểm 5 – 10 năm tới, cơ quan chủ trì hoặc chủ nhiệm đề tài được hưởng hoàn toàn kết quả nghiên cứu, quyết định cho sản phẩm của mình. Điều này sẽ tạo điều kiện khi các nghiên cứu được thương mại hóa, mang lại giá trị kinh tế. Khi sản phẩm ra thị trường, nhà nước có thể thu hồi ngân sách thông qua quá trình đóng các loại thuế cao hơn.

Vừa làm khoa học và doanh nghiệp PGS.TS Lê Trung Thiên (công ty Nông Lâm Food) cho biết, thực tế hiện nay doanh nghiệp và nhà khoa học chưa gặp được nhau về nhu cầu công nghệ. Các đề tài cần có thời gian đăng ký, mất vài năm mới triển khai và có kết quả nhưng nhu cầu doanh nghiệp cần sản phẩm ngay, có khi trong 6 tháng đến một năm. “Khi sản phẩm nghiên cứu xong thì nhu cầu doanh nghiệp đã qua rồi”, PGS.TS Thiên nói. Ông đề xuất, nhà khoa học phải tìm hiểu nhu cầu doanh nghiệp trước, cho ra sản phẩm kịp với nhu cầu thị trường. Ngoài ra, các thủ tục hành chính, sử dụng kinh phí cần theo hướng linh hoạt hơn, không bị gò bó để tạo điều kiện cho nhà khoa học.

Bà Vũ Thị Kim Vân, phó chủ tịch Tập đoàn tảo xoắn Đại Việt cho biết, Tập đoàn hiện đã thành công với các đề tài và phát triển sản phẩm về tảo, Đại Việt đã tập hợp các nhà khoa học hàng đầu trong ngành, trong đó có GS.TS Nguyễn Lân Dũng và sẵn sàng hợp tác cùng các đơn vị đối tác đủ năng lực để sản xuất và chuyển giao Quy trình nuôi tảo quy mô công nghiệp, các sản phẩm từ tảo hiện nay cho các tỉnh phổ biến và nhân rộng.

Hội thảo cũng ghi nhận các khuyến nghị thực hiện Chương trình KH&CN Quốc gia khu vực phía Nam trong thời gian tới như: các vấn đề cần nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong xu hướng toàn cầu, tối ưu hóa thời gian thực hiện và đánh giá hiệu quả các chương trình v.v…