Các nhà sáng chế không chuyên, kể cả những người có bằng sáng chế được công nhận và những người mới có ý tưởng hoặc sản phẩm bước đầu chưa đăng ký sáng chế sẽ được hỗ trợ tích cực.

Đây là một trong những mục tiêu của việc thành lập Hội Sáng chế Việt Nam (Hội). Hội đã chính thức ra mắt và tổ chức đại hội thành lập Hội Sáng chế Việt Nam nhiệm kỳ 2015 – 2020 sáng 31/12.

Hội sáng chế Việt Nam (gọi tắt là Hội) là tổ chức xã hội – nghề nghiệp tự nguyện, phi lợi nhuận của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, sáng chế. Các tổ chức, cá nhân khác mong muốn tham gia hợp tác nghiên cứu, đầu tư phát triển, ứng dụng, thương mại hóa sáng chế, giải pháp kỹ thuật, phục vụ nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh cũng có thể tham gia Hội.
Hội ra đời nhằm hỗ trợ các hội viên phát triển tất cả các tài sản trí tuệ, sản phẩm sáng tạo đã được đăng ký, cấp văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích và những giải pháp công nghệ có tiềm năng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện phát triển ra những sáng chế mới. Bên cạnh đó, Hội phát huy vai trò là cầu nối giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức quốc tế, các Hội có cùng mục tiêu, lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp với các nhà sáng chế; hình thành và phát triển các hình thức liên kết, hợp tác hỗ trợ giúp đỡ giữa các hội viên với nhau, với các tổ chức khác trong hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa sáng chế.


Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, Hội sẽ đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thương mại hóa, ứng dụng và chuyển giao sáng chế giải pháp kỹ thuật, bí quyết công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển KT – XH. Đồng thời phát triển nguồn nhân lực có năng lực đổi mới sáng tạo để có nhiều sáng chế và công nghệ mới hữu ích.


Ban chấp hành Hội gồm 16 thành viên. Ông Trần Quốc Thắng – Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN được bầu làm Chủ tịch Hội và ông Bùi Văn Quyền – Giám đốc Văn phòng Chương trình KH&CN Tây Nam bộ làm Tổng thư ký Hội.


Phát biểu tại đại hội, Bộ trưởng Nguyễn Quân đánh giá cao sự ra đời của Hội sáng chế Việt Nam, song hành với các hội khác trong lĩnh vực này như Hội sở hữu trí tuệ. Bộ KH&CN được giao trách nhiệm quản lý các hội chuyên ngành về khoa học và công nghệ. Trong nhiều năm qua, Bộ KH&CN đã sát cánh cùng với các hội để tổ chức nhiều hoạt động để đưa tinh thần sáng tạo vào cuộc sống, sản xuất kinh doanh.
Theo Bộ trưởng, Hội nên tập trung trước mắt cho các nhà sáng chế không chuyên. Bởi các nhà sáng chế chuyên nghiệp đã có ngân sách nhà nước thông qua đề tài, dự án và các hoạt động khác hỗ trợ trực tiếp cho họ. Các nhà sáng chế không chuyên hiện còn rất đơn độc trong hoạt động sáng tạo của mình. Vì thế Hội nên hướng vào hỗ trợ cho các nhà sáng chế không chuyên, kể cả những người có bằng sáng chế được công nhận và những người mới có ý tưởng hoặc sản phẩm bước đầu chưa đăng ký sáng chế.

Bộ trưởng cũng chia sẻ, Hội là một tổ chức hoàn toàn tự nguyện nên tinh thần dấn thân, cống hiến lớn hơn rất nhiều. Vì vậy sự thống nhất, chia sẻ, đoàn kết trong nội bộ là vô cùng quan trọng. Điều này sẽ giúp Hội ngày càng phát triển vững mạnh.

Nguồn: Báo Khoa học và phát triển

Nhằm cung cấp thông tin kịp thời để các tổ chức quốc tế có căn cứ xác thực trong tính toán, xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2020, chiều 24/10, Bộ KH&CN đã tổ chức hội thảo trực tuyến tại Hà Nội và Geneva nhằm rà soát hiện trạng dữ liệu chỉ số GII của Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, về phía đầu cầu Geneva, Thụy Sĩ có Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sĩ; Ông Sacha Wunsch – Vincent, Chuyên gia cao cấp, Trưởng ban – Đồng biên tập Chỉ số GII, Vụ Kinh tế và Thống kê, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Geneva.

Về phía đầu cầu Hà Nội, có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, đại diện các Bộ, ngành liên quan: Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội, Công thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tư pháp, Công an, Tòa án Nhân dân tối cao, Tổng cục Thống kê (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cùng đại diện một số đơn vị thuộc Bộ KH&CN.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy chia sẻ, trong thời gian qua chúng ta đã rất quyết liệt trong việc triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ KH&CN, với tư cách là đầu mối theo dõi việc cải thiện các chỉ số về ĐMST do Chính phủ phân công đã tích cực cập nhật thông tin cũng như hỗ trợ, đồng hành cùng các bộ/ngành trong các hoạt động cụ thể để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội thảo.

Thứ trưởng nhấn mạnh, chỉ số GII của Việt Nam liên tục được cải thiện trong những năm qua, năm 2019, Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng 3 bậc lên vị trí 42 trên 129 quốc gia/nền kinh tế so với năm 2018, đây cũng là vị trí tốt nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, để duy trì thứ hạng và tiếp tục nỗ lực để cải thiện vị trí là công việc không hề đơn giản và chúng ta còn rất ít thời gian để rà soát, cập nhật cũng như bổ sung với các chỉ số còn thiếu hoặc chưa có dữ liệu. Việc này đòi hỏi sự chung sức của các bộ/ngành để cung cấp được dữ liệu chính xác nhất, khách quan nhất về bức tranh ĐMST của Việt Nam.

Đại sứ Dương Chí Dũng nhận định, việc cải thiện thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng GII 2019 là kết quả của sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Chính phủ, cũng như sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương mà đứng đầu là Bộ KH&CN để triển khai đồng bộ các giải pháp. Đại sứ đánh giá cao việc tổ chức hội thảo lần này vào đúng thời điểm chúng ta đang bước gần tới thời hạn quy định của WIPO và các tổ chức quốc tế về việc cung cấp số liệu để tính toán, xếp hạng các chỉ số, trong đó có GII.

Đại sứ mong muốn các Bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ để có bộ chỉ số phản ánh đúng tình hình thực tế. “Việc cung cấp chỉ số là việc quan trọng và cần thiết nhưng quan trọng hơn là chúng ta phải tạo ra được phong trào nghiên cứu đổi mới sáng tạo, phải là những chỉ số thực tế chúng ta thực hiện và tăng trưởng được triển khai như thế nào trong từng năm”, Đại sứ nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, đại diện Học viện KH, CN và Đổi mới sáng tạo đã trình bày kết quả rà soát hiện trạng dữ liệu chỉ số GII của Việt Nam, Ông Sacha Wunsch – Vincent, Chuyên gia cao cấp của WIPO chia sẻ tầm quan trọng của việc cập nhật dữ liệu chỉ số GII của Việt Nam và hơn cả là việc có các giải pháp chính sách để cải thiện chỉ số một cách thực chất. Đồng thời đại diện các bộ, cơ quan đã trao đổi, thảo luận nhằm xác định và tìm hướng tháo gỡ những vướng mắc của việc thiếu dữ liệu hoặc dữ liệu chưa cập nhật để phục vụ tính toán GII năm 2020 của Việt Nam./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Một sự kiện thực sự ý nghĩa với giới khoa học – công nghệ, đồng thời mang giá trị tham chiếu lớn cho tăng trưởng, phát triển trong kỷ nguyên 4.0 của đất nước là theo Báo cáo về xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2019 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới mới đây, Việt Nam tăng 3 bậc lên vị trí 42/129 quốc gia/nền kinh tế (vị trí năm 2018 là 45/126). Như vậy, Việt Nam vươn lên đứng đầu trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp; thứ ba trong ASEAN, sau Singapore và Malaysia.

Vì sao lại nói những chỉ số nêu trên có ý nghĩa như “sự kiện”?

Đổi mới sáng tạo (innovation), theo Luật Khoa học và công nghệ, là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa. Trên phạm vi toàn cầu, trong kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đổi mới sáng tạo đóng vai trò cốt lõi cho tăng trưởng, trở thành động lực cho con đường vươn tới văn minh, thịnh vượng.

Từ rất sớm, Đảng và Nhà nước ta đã coi trọng vấn đề đổi mới sáng tạo. Ở cấp độ vĩ mô, trong quá trình đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước, đổi mới sáng tạo chính là một thành tố quan trọng. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu: Nhanh chóng hình thành một số cơ sở nghiên cứu – ứng dụng mạnh, gắn với các doanh nghiệp chủ lực, đủ sức tiếp thu, cải tiến và sáng tạo công nghệ mới. Xây dựng và thực hiện chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; có chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đổi mới công nghệ.

Cụ thể hóa thêm một bước, Nghị quyết số 23-NQ/TƯ, ngày 22-3-2018, của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: Xây dựng chính sách đột phá tạo lập môi trường khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Triển khai đồng bộ và quyết liệt các đề án, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Trong đó, mục tiêu nâng xếp hạng đổi mới sáng tạo với từng chỉ tiêu, theo lộ trình, được đặt ra.

Tiếp đến, dự hội nghị “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Một trụ cột cho phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam” diễn ra trung tuần tháng 5-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo sâu sát, “đặt hàng” các cơ quan hữu quan những phần việc cụ thể.

Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo chưa bao giờ là con đường bằng phẳng. “Rào cản” nằm ở ngay nhận thức của không ít cấp, ngành, địa phương và sau đó là cơ chế, chính sách (chưa đồng bộ). Khó khăn khác là trình độ khoa học – công nghệ và vốn đầu tư.

Cụ thể hơn nữa: Yêu cầu hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm, gắn kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp; chính sách khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp; thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước; tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh… đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.

Vì thế, như người đứng đầu Chính phủ đã đánh giá: Năng lực khoa học, công nghệ, sự đổi mới sáng tạo của chúng ta còn hạn chế và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún.

Ví dụ đáng để nhìn vào và cũng dễ nhận thấy nhất là ở phạm vi doanh nghiệp. Khi đổi mới sáng tạo không theo kịp yêu cầu phát triển, Yahoo giờ chỉ còn là cái bóng nhạt nhòa phía sau Google; những thương hiệu điện thoại di động đình đám một thời như Sony, Nokia… nay nhường chỗ cho sự lên ngôi của Apple, Samsung…

Sự phát triển của những “ông lớn” công nghệ mà lợi ích thuần kinh tế mang lại của Facebook, Twitter, Baidu… – cũng như ví dụ kể trên – không gì khác, gắn liền với đổi mới sáng tạo. Ở bình diện quốc gia, như chúng ta đã thấy, đổi mới sáng tạo thực sự là hạt nhân mang lại thịnh vượng, vị thế của nhiều nước.

Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo là yêu cầu không thể đảo ngược. Trong khi Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ”, phần việc còn lại thuộc về đơn vị, tổ chức khoa học – công nghệ và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, người dân nói chung. Chính sự “đổi mới sáng tạo” trong hoạt động đầu tư cho đổi mới sáng tạo là “chìa khóa” mở ra những cánh cửa im lìm cản trở quá trình này. Ở đó, những thử nghiệm, “giải pháp không theo khuôn mẫu”, mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đều đã, đang và tiếp tục được khuyến khích, hỗ trợ.

“Nắm trong tay” nguồn lực đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ có thêm một bước đột phá trong phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Trường Đại học Bách Khoa Tp.Hồ Chí Minh, Bộ Khoa Học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức (BMWi) (gọi tắt là Chương trình ZIM) tổ chức Hội thảo giới thiệu chương trình đổi mới sáng tạo dành cho các tổ chức KH&CN và Doanh nghiệp vừa và nhỏ vào ngày 30/5/2019. Hội thảo nhằm giới thiệu và hướng dẫn về quy trình xét duyệt, cơ chế tài chính, phương thức tham gia, chách thức hỗ trợ kết nối các nhà khoa học và doanh nghiệp hai nước.

Thời gian qua, Việt Nam và Đức đã và đang chứng kiến rất nhiều thành tựu hợp tác trong lĩnh vực KH&CN, đổi mới sáng tạo thông qua các chương trình hợp tác nghiên cứu chung như: Chương trình y tế và phát triển đô thị bền vững, Chương trình kinh tế sinh học, Chương trình CLIENT I & II (đối tác quốc tế về nghiên cứu phát triển bền vững hợp tác với Bộ Nghiên cứu và giáo dục Đức), Chương trình đổi mới sáng tạo dành cho các tổ chức KH&CN phối hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hợp tác với Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức (gọi tắt là chương trình ZIM).

Thông qua việc triển khai các chương trình này, nhiều tổ chức KH&CN Việt Nam đã hợp tác với các đối tác mạnh của Đức để triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu chung tập trung vào hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề cấp bách liên quan đến y tế, sức khoẻ, môi trường, các  vấn đề về biến đổi khí hậu và chuyển giao nhnxg công nghệ tiên tiến vào Việt Nam đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục công tác phía Nam Bộ KH&CN cho biết, với nỗ lực của hai quốc gia, thời gian qua những lĩnh vực công nghệ tiên tiến đang dần được chuyển giao tại Việt Nam, đó cũng là điều kiện để Việt Nam thực hiện cuộc cách mạng 4.0. Đồng thời, tạo điều kiện cho các nhà khoa học và doanh nghiệp vừa và nhỏ hai nước có điều kiện hợp tác cùng phát triển.

Chương trình có sự tham gia của Ông Felix Richter, Đại diện Cơ quan Quản lý dự án của Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức. Ông Felix Richter cho biết, Đức không yêu cầu đơn vị tham gia dự án phải có tổ chức KH&CN chủ trì mà các đơn vị tham gia phải có đủ số lượng người được đào tạo, tâm huyết với các nghiên cứu của mình để có thể theo đuổi đến hết quá trình nghiên cứu, thực hiện dự án. “Sản phẩm có phải tính mới, công nghệ mới hoặc những phát minh, sáng chế có khả năng thương mại hóa. Sáng kiến hoặc quy trình công nghệ, sản xuất cải tiến được kế thừa từ kết quả nghiên cứu trước đó cũng được xem xét hỗ trợ” – ông Felix Richter nhấn mạnh.

Đại diện phía Việt Nam, bà Hoàng Hiền Hậu – Vụ Hợp tác quốc tế thông tin ngoài những yêu cầu chung về phía Đức, phía Việt Nam cũng có một số yêu cầu riêng như Hồ sơ đề xuất tham gia gồm đề cương theo mẫu 01 Thông tư 12/2014/TT-BKHCN ngày 30/5/2014 và công văn đề xuất của Bộ chủ quản gửi Bộ KH&CN. Quy trình xét duyệt hồ sơ cũng được tuân thủ theo thông tư này. Các đơn vị khi gửi hồ sơ đề xuất xét duyệt cần gửi đến cả hai cho Bộ Kinh tế và Năng lượng Liêng bang Đức và Bộ KH&CN Việt Nam. Dự án tham gia Chương trình ZIM có thể được Đức xét duyệt tài trợ kinh phí 100% hoặc được cả Việt Nam hoặc Đức hỗ trợ. Tuy nhiên, kinh phí thực hiện dự án về phía đối tác phải đạt tối thiểu 40% tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ, nghĩa là kinh phí từ Việt Nam cấp không được quá 1,5 lần kinh phí từ phía Đức cấp.

Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho biết, chương trình hợp tác này rất có nghĩa nhằm kết nối hợp tác các nhà khoa học và doanh nghiệp vừa và nhỏ của hai nước. Mục tiêu của chương trình nhằm tài trợ cho các nhiệm vụ nghiên cứu chung hướng tới thương mại hoá kết quả nghiên cứu, vì vậy các tổ chức KH&CN cần hợp tác, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để nghiên cứu hoàn thiện công nghệ nhằm hướng tới thương mại hoá sản phẩm.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng, không cần thiết phải có công văn đề xuất của Bộ chủ quản; rút ngắn thời gian xét duyệt dự án từ phía Việt Nam (từ 6 -8 tháng), trong khi phía Đức chỉ từ 3 – 4 tháng; đảm bảo công bằng về sở hữu trí tuệ;… Đại diện Vụ HTQT cho biết, do việc nộp, quy trình xét duyệt hồ sơ đều phải theo Thông tư 12/2014/TT-BKHCN nên trước mắt các vấn đề trên chưa được tháo gỡ. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi thông tư này được sửa đổi, Bộ KH&CN sẽ xem xét việc bỏ quy định xác nhận của Bộ chủ quản. Ngoài ra, khi thực hiện dự án, hai bên đều ký thỏa thuận hợp tác trong đó có phần về sở hữu trí tuệ. Sản phẩm dự án đều đồng sở hữu, nên hai bên cần trao đổi, thỏa thuận đối với từng sản phẩm cụ thể về vấn đề này.

Phòng HTPT – Cục công tác phía Nam, Bộ KH&CN