Nhằm hỗ trợ liên kết các doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc mở rộng thị trường và tìm kiếm đối tác, Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học & Công nghệ cùng với VSV Capital tổ chức sự kiện kết nối, giới thiệu công nghệ đến từ 12 doanh nghiệp của Hàn Quốc trong các lĩnh vực Thực phẩm, Chăm sóc sức khỏe , Giáo dục, Giải trí, Xây dựng.

Cục Công tác phía Nam trân trọng kính mời Quý vị là các lãnh đạo các đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học đến từ các Doanh nghiệp, Hiệp hội, Trường Đại học quan tâm đến tham dự sự kiện.

  • Sự kiện kết nối doanh nghiệp:

Thời gian: từ ngày 05 đến ngày 06 tháng 04 năm 2023.

Địa điểm: Hội trường Lầu 2, Cục Công tác phía Nam – Bộ Khoa học và Công nghệ

Số 31 Hàn Thuyên, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.

  • Sự kiện DEMO DAY -Tips to Global:

Thời gian: 14h – 17h ngày 07 tháng 04 năm 2023

Địa điểm: The Sentry – Tầng 2, Sonatus Building

Số 15 đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, Tp Hồ Chí Minh.

Vui lòng đăng ký tham dự với chúng tôi bằng mã QR bên dưới hoặc liên hệ theo thông xin sau: Mr. Trần Hải Đăng – Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Điện thoại: 0909 388 125 – Email: tran.hdang@gmail.com.

Xin trân trọng cảm ơn./

Từ nhu cầu giải quyết hạn mặn rất cấp thiết đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cục Công tác phía Nam – Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Công nghệ Bùi Văn Ngọ góp phần hỗ trợ giải pháp cho bà con trước khó khăn mùa hạn mặn. Đây là nội dung chính được trao đổi tại buổi làm việc giữa Cục Công tác phía Nam với Viện Công nghệ Bùi Văn Ngọ ngày 17/3/2020 vừa qua.

Buổi làm việc giữa Cục công tác phía Nam – Bộ Khoa học và Công nghệ và Viện Công nghệ Bùi Văn Ngọ

Tại buổi làm việc, PGS.TS Phạm Xuân Đà- Cục trưởng Cục Công tác phía Nam đã trao đổi về các chủ trương, chính sách, chương trình thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Dựa trên chức năng nhiệm vụ và nguồn lực của 2 bên, Cục Công tác phía Nam và Viện thống nhất hợp tác toàn diện trong tổ chức triển khai các dự án, sản xuất một số thiết bị, máy móc nhằm ứng phó tình trạng xâm nhập mặn, chế biến sau thu hoạch nâng cao giá trị chuỗi nông sản. Thông qua các dự án này, Cục Công tác phía Nam cũng đề nghị Viện gắn với chương trình đổi mới sáng tạo, hỗ trợ phong trào, tổ chức, cá nhân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tham gia vào hoạt động sản xuất.

Trao đổi tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thế Hà – Viện trưởng Viện Công nghệ Bùi Văn Ngọ cho biết: Hiện nay, Viện đang chuẩn bị triển khai hoạt động nghiên cứu và phát triển nhằm phục vụ tự động hóa và cơ khí hóa nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long. Viện mong muốn trong thời gian tới hợp tác cùng Cục Công tác phía Nam với vai trò tư vấn về chủ trương phát triển, đổi mới sáng tạo công nghệ và cơ chế phối hợp cùng với hoạt động khoa học và công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long thông qua Cục Công tác phía Nam.

Trước tiên, Viện sẽ có những khoản chi phí nghiên cứu và phát triển cho các giải pháp khả thi có thể triển khai ngay hoặc đối ứng cùng các chương trình hay giải pháp hỗ trợ cho bà con trước nguy cơ hạn mặn. Về thường xuyên và lâu dài, Viện mong muốn bám sát các chương trình cụ thể trong mỗi năm của Cục Công tác phía Nam, các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ để triển khai hoạt động nghiên cứu và phát triển của Viện, phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp cho bà con vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Kết thúc buổi làm việc, hai bên đã thống nhất xây dựng biên bản hợp tác giữa Cục Công tác phía Nam và Viện Công nghệ Bùi Văn Ngọ. Theo đó, Cục Công tác phía Nam sẽ hỗ trợ Viện phát động phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tạo ra các vườn ươm, cuộc thi, hội nghị giới thiệu để chuyển giao công nghệ, cung ứng các sản phẩm công nghệ,… Phía Viện mong muốn Cục Công tác phía Nam hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ các sản phẩm khoa học và xây dựng một số đề án để tiêu chuẩn hóa các chương trình khoa học của Viện đề ra.

Nguồn: Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN

Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN đã phối hợp với Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế tổ chức hội thảo giới thiệu các công nghệ xử lý nước thải trong các bệnh viện, phòng khám, trạm y tế quy mô nhỏ tại TP.HCM vào ngày 29/7/2019.

PGS. TS. Doãn Ngọc Hải cho rằng, hiện nay TP.HCM có số lượng phòng khám lớn nhưng đa số chưa có giải pháp xử lý nước thải tối ưu. Vì thế, Viện sẽ phối hợp với các đơn vị của Bộ Khoa học và Công nghệ phía Nam tiếp cận và tiến hành khảo sát chất lượng nước phòng khám, sau đó đưa ra công nghệ phù hợp với quy mô phòng khám. Những công nghệ này có giá thành phù hợp, trong phạm vi năng lực của các phòng khám.

“Hiện nay, chúng tôi cũng đã phát triển thành công một phần mềm giám sát chất lượng nước trong chạy thận nhân tạo tại các bệnh viện. Việc làm này giúp các bệnh viện, không còn ghi chép thủ công khi kiểm tra chất lượng nước chạy thận, giảm nguy cơ tai nạn cho bệnh nhân. Phần mềm này chúng tôi sẵn sàng chuyển giao cho các cá nhân, đơn vị có nhu cầu tại TP.HCM”- PGS.TS. Hải chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc công ty môi trường nano, hiện nay công ty đang hợp tác với Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường phát triển một công nghệ xử lý nước thải với công suất xử lý 4 mét khối nước thải/ 1 ngày bằng công nghệ nano. Chi phí cho mỗi máy vào khoảng dưới 100 triệu. “Hiện tại chúng tôi đã chuyển giao công nghệ này cho khoảng 15 phòng khám, bệnh viện quy mô nhỏ tại TP.HCM và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác và khẳng định máy xử lý nước thải sẽ có thể giảm giá thành nữa để đáp ứng nhu cầu của các phòng khám và các cơ sở tại TP.HCM sẽ được hỗ trợ cung cấp các dịch vụ xử lý nước thải với công nghệ mới nhưng giá thành tốt nhất”- ông Diện chia sẻ.

Trung tâm ứng dụng và dịch vụ KH&CN (thuộc Cục Công tác phía Nam-Bộ KH&CN) và Viện Kiểm định thiết bị và đo lường(thuộc Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường- Bộ Y tế) ký kết biên bản ghi nhớ với Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) trong việc giải quyết vấn đề nước thải tại các cơ sở y tế quy mô nhỏ. Theo PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) việc ký kết này nhằm mục đích cùng nhau giải quyết các vấn đề xã hội. Đây là một chức năng của Viện, nhưng ở địa bàn TP.HCM và miền Nam chưa thể sát sao. Vì thế, việc ký kết này được coi là một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề về nước thải tại các cơ sở y tế tại TP.HCM.

Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh “KOREAN – ASEAN” tại Busan – Hàn Quốc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã chủ trì và chứng kiến Lễ ký biên bản hợp tác giữa Cục Công tác phía Nam (CPN) do Cục trưởng Phạm Xuân Đà đại diện và Busan Techno Park, Hàn Quốc do ông Kim Young Boo Giám đốc điều hành đại diện. Mục đích của Bản Ghi nhớ nhằm thúc đẩy thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến giữa Khu vực phía Nam Việt Nam và Tp. Busan, Hàn quốc.

Chứng kiến Lễ ký, phía Việt Nam có Ông Lưu Hoàng Long – Q. Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao (CNC) Hoà Lạc; Bà Lê Thị Việt Lâm – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; Bà Đỗ Thị Bích Ngọc – Tham tán, Trưởng văn phòng KH&CH tại Seoul, Hàn Quốc; Ông Nguyễn Văn Thưởng – Bí thư thứ nhất, Văn phòng KH&CN tại Seoul, Hàn Quốc; Ông Hoàng Quốc Đạt – Bí thư thứ ba, Văn phòng KH&CN tại Seoul, Hàn Quốc.

Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá cao năng lực và thành tựu của Khu CNC Busan Hàn Quốc, và đề nghị hai bên sau lễ ký này cần sớm có kế hoạch, chương trình hợp tác cụ thể, có hiệu quả và lợi ích cả hai bên. Về phía Việt Nam, Bộ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để CPN triển khai tốt bản hợp tác ngày hôm nay. Chủ tịch Khu công nghệ cao Busan ông Choi Jong Yeol bày tỏ sự trân trọng và đặc biệt cảm ơn Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã dành thời gian quý báu tham dự Lễ ký Bản ghi nhớ hôm nay. Ông báo cáo và hứa với Bộ trưởng sẽ đặc biệt quan tâm đến các nội dung của bản ghi nhớ hôm nay, nhiều nội dung đã có dự án cụ thể sẽ sớm báo cáo với Bộ trưởng để được triển khai.

Ông Phạm Xuân Đà cho biết, Bản ghi nhớ sẽ tạo tiền đề cho các hoạt động phối hợp, tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động đổi mới và chuyển giao công nghệ tiên tiến giữa hai bên; Thúc đẩy kết nối cung – cầu công nghệ giữa các doanh nghiệp hai nước; Hỗ trợ các hoạt động hợp tác nghiên cứu phát triển chung; Hỗ trợ các hoạt động thương mại hóa sản phẩm, công nghệ và các kết quả nghiên cứu; Tạo điều kiện thuận lợi trong việc trao đổi chuyên gia cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giữa hai bên.

Thông qua Bản ghi nhớ, Cục Công tác phía Nam kỳ vọng sẽ triển khai mạnh hơn các hoạt động hợp tác quốc tế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao theo phân cấp của Bộ trưởng, tăng cường hoạt động quản lý khoa học và công nghệ ở khu vực phía Nam./