Ngày 01/8/2019, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Kiên Giang phối hợp Cục Công tác Phía Nam – Bộ KH&CN tổ chức Hội thảo “Kết nối chuyển giao công nghệ sản xuất và ứng dụng bê tông bọt nhẹ không chưng áp thay thế gạch không nung” tại Kiên Giang.
Tham dự và chủ trì Hội thảo có PGS.TS. Phạm Xuân Đà – Cục trưởng Cục Công tác Phía Nam, ông Dương Minh Tâm – Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Kiên Giang, Hội thảo đã thu hút được sự tham dự của gần 40 đại biểu là đại diện lãnh đạo các công ty, doanh nghiệp: Công ty Cổ phần KH&CN HIDICO, Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên I, Công ty TNHH Xi măng Holcim, Công ty Xi măng Hà Tiên Kiên Giang, Công ty Cổ phần Gạch ngói Kiên Giang, Công ty Cổ phần Đầu tư Phú Cường Kiên Giang, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Kiên Giang,…
GS. TSKH Nguyễn Văn Thịnh, Giảng viên Trường Đại học Xây dựng Matxcơva. Liên Bang Nga (Đại diện nhóm tác giả sáng chế dây chuyền công nghệ sản xuất bê tông bọt) trao đổi tại Hội thảo
Hội thảo đã được nghe diễn giả giới thiệu các nội dung: Những vấn đề chính trong chuyển giao công nghệ sản xuất và ứng dụng công nghệ sản xuất và ứng dụng bê tông bọt nhẹ không chưng áp; Hiện trạng và xu thế ứng dụng và sản xuất bê tông bọt nhẹ không chưng áp trên thế giới và ở nước ta; Ứng dụng và sản xuất bê tông bọt nhẹ không chưng áp thay thế gạch không nung tại Đồng Tháp; Nội dung và phương thức chuyển giao công nghệ trong ứng dụng và sản xuất bê tông bọt nhẹ không chưng áp.
Buổi Hội thảo đã nhận được sự quan tâm rất nhiều của các doanh nghiệp, qua đó đã thảo luận trao đổi sôi nổi một số nội dung: Dây chuyền công nghệ sản xuất bê tông bọt nhẹ không chưng áp này đã chuyển giao và ứng dụng tại những nhà máy nào tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; Chi phí vận hành, lắp đặt dây chuyền công nghệ sản xuất với công suất 4.800m3/năm; Việc đào tạo, tập huấn nhân lực sau khi chuyển giao công nghệ; Khả năng cung ứng trên thị trường của phụ gia (chất tạo bọt); Thời gian cho việc lắp đặt và vận hành công nghệ; Độ bền, sức chịu lực của bê tông bọt nhẹ… Mọi ý kiến thắc mắc của các đại biểu đã được GS. TSKH Nguyễn Văn Thịnh, Giảng viên Trường Đại học Xây dựng Matxcơva. Liên Bang Nga (Đại diện nhóm tác giả sáng chế dây chuyền công nghệ sản xuất bê tông bọt) giải thích và phân tích khá rõ ràng.
Công nghệ bê tông bọt được đăng ký sáng chế do Cục Bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ Liên Bang Nga cấp vào ngày 27/8/2004. Công nghệ này đã được triển khai và ứng dụng có hiệu quả cung cấp vật liệu cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và 1 số Khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất bê tông bọt nhẹ không chưng áp thay thế gạch không nung cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang sẽ làm tiền đề để tiếp tục hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN trong thời gian tới. Đây là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp để được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về tín dụng, chính sách miễn tiền thuê đất… Ngoài ra, việc triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất, kinh doanh giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển hơn trên thị trường trong và ngoài nước./.
Việc kết nối và chuyển giao công nghệ là một trong những hoạt động thiết thực nhằm gắn kết các doanh nghiệp, đơn vị tiếp cận với công nghệ, thiết bị tiên tiến và hiện đại nâng cao giá trị sản xuất kinh doanh.