Ngày 18/8, tại TP.HCM, Cục Công tác phía Nam đã tổ chức hội thảo khoa học về đánh giá hiệu quả thực tiễn các phương pháp xét chọn, đánh giá các nhiệm vụ thuộc chương trình KH&CN quốc gia đối với doanh nghiệp.
Tham dự hội thảo gồm có đại diện các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực KH&CN các tỉnh thành phía Nam; các tổ chức KH&CN, viện, trường, cơ quan giáo dục và nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; các doanh nghiệp ứng dụng KH&CN và các nhà nghiên cứu.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng phụ trách Cục công tác phía Nam, Bộ KH&CN phát biểu tại Hội thảo
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng phụ trách Cục công tác phía Nam, Bộ KH&CN cho biết, các nhiệm vụ thuộc chương trình KH&CN quốc gia do Văn phòng các Chương trình KH&CN Quốc gia (Bộ KH&CN) quản lý, gồm một số chương trình như Phát triển sản phẩm quốc gia, Phát triển công nghệ cao, Đổi mới công nghệ, Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, nhiệm vụ KH&CN theo nghị định thư, Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng,…
Trong giai đoạn 2016-2020 đã có 39 chương trình KH&CN quốc gia được triển khai với tổng kinh phí trên 19 nghìn tỉ đồng, chiếm 41,67% tổng số kinh phí sự nghiệp KH&CN. Các Chương trình đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh thu trung bình hằng năm của các doanh nghiệp. Đồng thời, giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa trong quá trình sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Giai đoạn 2021-2030, 17 Chương trình KH&CN Quốc gia đã được Bộ KH&CN phê duyệt. Bộ KH&CN cũng đã tiến hành cơ cấu lại các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 với nhiều điểm mới như bám sát Chiến lược phát triển KT – XH 10 năm 2021-2030 và quan điểm chỉ đạo về lấy doanh nghiệp làm trung tâm, chú trọng thu hút nguồn lực xã hội, đặc biệt là từ Quỹ phát triển KH&CN của các doanh nghiệp. Các chương trình KH&CN quốc gia có sự kết nối, liên thông, có tính ứng dụng cao đối với phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội. Các vấn đề mang tính cấp bách có thể được duyệt ngay, thay vì chờ theo từng đợt như trước đây. Đồng thời, Bộ KH&CN cũng phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành các thông tư liên quan đến tài chính, nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà khoa học.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung chia sẻ các nội dung về nhiệm vụ thuộc Chương trình KH&CN quốc gia đối với doanh nghiệp nhìn từ góc độ quản lý nhà nước tại các tỉnh, thành phía Nam; cũng như hiệu quả ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học từ các Chương trình KH&CN quốc gia tại sản xuất của doanh nghiệp.
Nhiều năm làm khoa học, PGS.TS Phạm Ngọc Tuấn cho biết, các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước khi hoàn thành được coi là tài sản công, do nhà nước quản lý. Điều này một phần khiến các nghiên cứu không được đưa vào thực tiễn sản xuất do vai trò nhà nước trong các kết quả này vẫn còn. Ông đề xuất, nhà nước cần mạnh dạn thí điểm 5 – 10 năm tới, cơ quan chủ trì hoặc chủ nhiệm đề tài được hưởng hoàn toàn kết quả nghiên cứu, quyết định cho sản phẩm của mình. Điều này sẽ tạo điều kiện khi các nghiên cứu được thương mại hóa, mang lại giá trị kinh tế. Khi sản phẩm ra thị trường, nhà nước có thể thu hồi ngân sách thông qua quá trình đóng các loại thuế cao hơn.
Vừa làm khoa học và doanh nghiệp PGS.TS Lê Trung Thiên (công ty Nông Lâm Food) cho biết, thực tế hiện nay doanh nghiệp và nhà khoa học chưa gặp được nhau về nhu cầu công nghệ. Các đề tài cần có thời gian đăng ký, mất vài năm mới triển khai và có kết quả nhưng nhu cầu doanh nghiệp cần sản phẩm ngay, có khi trong 6 tháng đến một năm. “Khi sản phẩm nghiên cứu xong thì nhu cầu doanh nghiệp đã qua rồi”, PGS.TS Thiên nói. Ông đề xuất, nhà khoa học phải tìm hiểu nhu cầu doanh nghiệp trước, cho ra sản phẩm kịp với nhu cầu thị trường. Ngoài ra, các thủ tục hành chính, sử dụng kinh phí cần theo hướng linh hoạt hơn, không bị gò bó để tạo điều kiện cho nhà khoa học.
Bà Vũ Thị Kim Vân, phó chủ tịch Tập đoàn tảo xoắn Đại Việt cho biết, Tập đoàn hiện đã thành công với các đề tài và phát triển sản phẩm về tảo, Đại Việt đã tập hợp các nhà khoa học hàng đầu trong ngành, trong đó có GS.TS Nguyễn Lân Dũng và sẵn sàng hợp tác cùng các đơn vị đối tác đủ năng lực để sản xuất và chuyển giao Quy trình nuôi tảo quy mô công nghiệp, các sản phẩm từ tảo hiện nay cho các tỉnh phổ biến và nhân rộng.
Hội thảo cũng ghi nhận các khuyến nghị thực hiện Chương trình KH&CN Quốc gia khu vực phía Nam trong thời gian tới như: các vấn đề cần nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong xu hướng toàn cầu, tối ưu hóa thời gian thực hiện và đánh giá hiệu quả các chương trình v.v…