Chương trình quốc gia Năng suất chất lượng: Kết nối để lan tỏa giá trị

Mặc dù góp phần xây dựng những vấn đề mang tính nền tảng, thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp nhưng chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” vẫn cần phải mở rộng hơn nữa các hoạt động đó trên quy mô lớn và trong các loại hình doanh nghiệp.

Phòng thử nghiệm thành thạo của Quatest 1. Nguồn: Quatest 1

Phòng thử nghiệm thành thạo của Quatest 1.

Giữa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp do Bộ KH&CN quản lý, chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” có một vị trí đặc biệt. Không tác động thẳng đến việc ra đời các sản phẩm mới, các hàng hóa mới của doanh nghiệp như các chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia, chương trình quốc gia Phát triển công nghệ cao hay chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước, chương trình Năng suất chất lượng tạo dựng một khuôn khổ vững chắc cho các hàng hóa đó thông qua việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng như và áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình công cụ cải tiến năng suất và chất lượng ở doanh nghiệp.

Do đó, tại hội nghị ban điều hành chương trình quốc gia Năng suất chất lượng năm 2019 diễn ra vào ngày 19/12/2019, nhìn lại những tác động “ngầm” đó của chương trình sau gần 10 năm triển khai, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng: “Khi chúng ta tập trung coi doanh nghiệp là trung tâm và lấy việc hỗ trợ đổi mới của doanh nghiệp bằng cơ chế chính sách, bằng thúc đẩy áp dụng KH&CN, những hoạt động của chương trình đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng của sản phẩm hàng hóa một cách thiết thực. Sư lan tỏa của những chương trình như vậy đã cho thấy có sự thay đổi và chuyển biến trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam”.

Những giá trị lan tỏa

Tại phiên họp ban điều hành, ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiểu chuẩn Đo lường chất lượng – đơn vị được Bộ KH&CN giao làm đầu mối quản lý và kết nối với các đơn vị trong và ngoài Bộ trong triển khai chương trình – đã nhìn nhận lại chín dự án thành phần, trong đó có hai dự án quan trọng là “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” và “Thúc đẩy hoạt động Năng suất chất lượng” do Bộ KH&CN chủ trì. Với việc thực hiện các dự án này, chương trình Năng suất chất lượng đã lan tỏa ở khắp các lĩnh vực quan trọng của đời sống kinh tế xã hội đất nước: các ngành công nghiệp, chế biến (Bộ Công thương chủ trì), các ngành nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi, phòng chống thiên tai… (Bộ NN&PTNT chủ trì), các ngành dược phẩm, thiết bị y tế, khám chữa bệnh (Bộ Y tế chủ trì), các sản phẩm vật liệu xây dựng, xi măng, gạch ốp lát… (Bộ Xây dựng), các lĩnh vực sản xuất thiết bị thông tin và truyền thông, sản phẩm tổng đài, thiết bị đầu cuối… (Bộ TT&TT).

Nói đến ý nghĩa của chương trình, đại diện Cục KHCN và Đào tạo (Bộ Y tế), nơi mới thực hiện được ba dự án về xây dựng các tiêu chuẩn về kiểm nghiệm mĩ phẩm, dược phẩm, an toàn thực phẩm, trang thiết bị y tế, cho rằng xét cho đến cùng thì “việc ban hành hơn 700 quy chuẩn kỹ thuật trong đăng ký khám chữa bệnh cũng là để nâng cao năng suất, chất lượng trong công tác bảo vệ sức khỏe người dân và góp phần hỗ trợ ngành Y tế giảm tải cho các bệnh viện”. Anh cũng cho biết thêm, trong năm 2019, đề án xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế được phê duyệt với kỳ vọng tạo điều kiện cho “các bệnh viện có thể chấm điểm và đánh giá chất lượng, đưa ra các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng khám chữa bệnh”.

Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể lượng hóa những tác động mà các hoạt động này đem lại vì nó thường bị “ẩn” trong hoạt động liên quan như R&D, đổi mới sáng tạo khác. Nhưng khi nhìn vào dự án “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” đã được triển khai từ năm 2011 mới thấy rõ những tác động của nó: nếu trước đây, việc xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam (quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động KT-XH nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả…), quy chuẩn Việt Nam (quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động KT-XH phải tuân thủ…) là điểm yếu thì nay một bức tranh hoàn toàn mới xuất hiện. Theo ông Hà Minh Hiệp, “chỉ tính riêng trong năm 2019, dự án đã đem lại gần 900 tiêu chuẩn Việt Nam, trong đó Bộ KH&CN xây dựng hơn 500 tiêu chuẩn, xã hội hóa được 12 tiêu chuẩn, 1 quy chuẩn làm theo đặt hàng của các hiệp hội và doanh nghiệp (sử dụng kinh phí của doanh nghiệp). Đây là chỉ dấu cho thấy xã hội quan tâm đến lĩnh vực này”. Hơn 250 tiêu chuẩn do các bộ, ngành xây dựng đã được chuyển tới Bộ KH&CN thẩm định, trong đó nhiều nhất là Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT.

Nhằm phổ biến sâu rộng các quy định mới này, các thành viên thực hiện dự án đã chú trọng đến việc phổ biến thông qua các chương trình hướng dẫn trên quy mô toàn quốc. Nhờ vậy hơn 350 tiêu chuẩn đã được giới thiệu cho hơn 2.000 tổ chức, doanh nghiệp, những người sẽ buộc phải áp dụng và tuân thủ các quy định đó trong quá trình quản lý, điều hành doanh nghiệp và sản xuất hàng hóa. Việc đưa các hoạt động này vào khung khổ đã buộc họ phải lượng hóa một cách chặt chẽ cả những quy định cơ bản của mình, ví dụ như chú trọng hơn đến những tiêu chuẩn cơ sở – tiêu chuẩn do tổ chức, đơn vị sự nghiệp, sản xuất xây dựng phù hợp với trình độ KH&CN và dựa trên các kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm, nhu cầu và khả năng thực tiễn… Ông Hà Minh Hiệp nhận xét, “bên cạnh tiêu chuẩn quốc gia thì tiêu chuẩn cơ sở cũng đóng vai trò quan trọng nhưng từ trước đến nay, tiêu chuẩn cơ sở vẫn là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam. Trong năm vừa qua, chúng tôi đã tổ chức hướng dẫn về xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho 1.500 doanh nghiệp”.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, tham quan Phòng thí nghiệm của UL đặt tại Quatest 3. Ảnh: Ngũ Hiệp

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, tham quan Phòng thí nghiệm của UL đặt tại Quatest 3. Ảnh: Ngũ Hiệp

Việc xây dựng những tiêu chuẩn và quy chuẩn này không chỉ nhằm quản lý các hoạt động sản xuất và thúc đẩy những sản phẩm hàng hóa trong thị trường Việt Nam, nó còn bao hàm cả việc đảm bảo cho những sản phẩm đó tham gia được thị trường quốc tế và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể chủ động thực hiện kế hoạch kinh doanh, phát triển sản phẩm của mình. Do đó, ông Hà Minh Hiệp nhấn mạnh đến “sự hài hòa” của các tiêu chuẩn, quy chuẩn được xây dựng với các tiêu chuẩn quốc tế đi kèm với các hoạt động đáng chú ý khác: mở rộng mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp đạt chuẩn mực quốc tế, được thừa nhận ở EU, APEC..; đưa 100% phòng thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực đạt trình độ quốc tế; ký kết và thực hiện các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với các nước… Ví dụ, hiện nay trong lĩnh vực điện – điện tử trong ASEAN, Việt Nam có hai tổ chức thử nghiệm được chỉ định là Quatest 1 và 3, một tổ chức chứng nhận được chỉ định là Quacert; trong lĩnh vực sản phẩm hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ KH&CN có 45 tổ chức thử nghiệm được thừa nhận kết quả thử nghiệm…

Và những vấn đề cần phải được mở rộng và khai thông

Qua các hoạt động của chương trình Năng suất chất lượng, từ Bộ KH&CN đến các bộ ngành có liên quan như Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng…, có thể dễ dàng cảm nhận được mong muốn của những người tham gia thực hiện dự án: tuyên truyền tạo ra chuyển biến cho các đối tượng chính là các doanh nghiệp hiểu rõ hơn giá trị mà chương trình có thể mang lại, không dừng lại ở câu mang tính “khẩu hiệu hô hào” là “nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm” mà thực chất là “hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy năng suất nội ngành và qua đó là của cả ngành kinh tế” như đánh giá của ông Hà Minh Hiệp. Tuy nhiên có một thực tế là các doanh nghiệp cũng như nhiều đơn vị hành chính sự nghiệp vẫn còn chưa nhận thức hết được tác động đó. Đại diện Vụ KHCN và môi trường (Bộ Xây dựng) nêu một phần nhỏ của bức tranh chung đó: “Khi mình đặt vấn đề hoặc tuyên truyền phổ biến giải pháp năng suất, các doanh nghiệp đều không mặn mà, ngoại trừ khối doanh nghiệp tư nhân phía Nam, còn lại các doanh nghiệp lớn, cổ phần hóa nhà nước đều chưa thực sự quan tâm”. Mặc dù lý giải một phần nguyên nhân có thể là “do tuyên truyền gấp gáp nên chưa lan tỏa được giá trị” nhưng anh cũng chỉ ra một vấn đề: khi doanh nghiệp nhận thấy những điều sẽ được hưởng, họ sẽ có thái độ khác, “ví dụ khi ‘động’ đến vấn đề về sự phù hợp thừa nhận lẫn nhau trong các quốc gia ASEAN về vật liệu xây dựng, kính, xi măng, ốp lát… thì ‘hô’ một tiếng là các hiệp hội đến ngay lập tức nhưng cứ động đến năng suất thì lại họ không quan tâm”.

Vấn đề đại diện Vụ KHCN và Môi trường (Bộ Xây dựng) đề cập đến cũng là điều mà đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho là tồn tại trong nhiều chương trình hợp tác giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, không riêng gì với chương trình Bộ KH&CN quản lý mà xuất hiện cả ở những chương trình do các Bộ khác quản lý. “Chúng ta vẫn thường nói doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà, chưa được tiếp cận chương trình. Tôi thấy đây là điều nhiều chương trình vướng cả. Vì vậy, tôi muốn chúng ta cần đánh giá là tại sao nhiều chương trình như vậy mà doanh nghiệp người ta chưa tiếp cận được? do cơ chế chính sách, do thông tin tuyên truyền?… để tìm bất cập ở điểm gì. Có nhiều chương trình khiến doanh nghiệp ‘né gần chết’ vì họ sợ phải tham gia”.

Chia sẻ tại cuộc họp của một đại biểu cũng đưa ra một lát cắt khác: khi chị đi công tác tại Thái Nguyên, nơi có nhiều doanh nghiệp nghề truyền thống, chế biến, may mặc, thì được nhiều doanh nghiệp trao đổi là chưa từng nghe được thông tin nào về chương trình này, dù rất mong muốn có được những bộ công cụ cải tiến năng suất, chất lượng một cách hiệu quả.

Lý giải một phần những vấn đề đặt ra cho Chương trình Năng suất, chất lượng, ở góc độ nhà quản lý, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến các doanh nghiệp còn chưa quan tâm hoặc e ngại hợp tác, một trong số đó là vướng mắc chung trong quy trình thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ KH&CN hiện nay: từ nộp hồ sơ đến khi được thông qua thì chỉ còn vài tháng là hết năm. “Những bất cập trong cơ chế hợp tác với doanh nghiệp trong một số dự án đổi mới công nghệ dẫn đến việc khi họ bắt tay vào làm rồi mà chúng ta chưa xong thủ tục. Đó là cơ chế của chúng ta vẫn còn đi sau, đi chậm so với tốc độ triển khai của các dự án đổi mới của doanh nghiệp”, ông nói.


Một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp còn chưa quan tâm hoặc e ngại hợp tác với chương trình là do những vướng mắc trong quy trình thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ KH&CN hiện nay, từ nộp hồ sơ đến khi được thông qua thì chỉ còn vài tháng là hết năm.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng


Mặt khác, Phó tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp cũng thừa nhận, một nguyên nhân quan trọng là đội ngũ chuyên gia về năng suất chất lượng mà chương trình đào tạo vẫn còn ở mức khiêm tốn, trong khi để thuyết phục được các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI phải có những chuyên gia giỏi, tinh thông cả lý thuyết lẫn thực hành. Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới, chương trình sẽ hướng tới việc nhân rộng, triển khai giới thiệu trong trường đại học, ưu tiên tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp tham gia các chuỗi cung ứng…

Nhìn rộng ra, để những chương trình có nội dung thiết thực như Chương trình năng suất chất lượng lan tỏa thông tin tới các doanh nghiệp và tổ chức, cần thiết kết nối với một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khác.


Chúng ta nên kết nối Chương trình Năng suất chất lượng với Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ của Cục Sở hữu trí tuệ với nhau ở một mức độ nào đó để đồng hành phối hợp tuyên truyền. Việc chủ động kết nối sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện đổi mới dễ dàng hơn

Ông Lê Tất Chiến – Cục Sở hữu trí tuệ


Với mong muốn có một chương trình hoàn thiện hơn và phát huy hiệu quả hơn, đại diện VCCI và các bộ tham gia chương trình đều mong muốn chương trình kéo dài đến năm 2030, “sau khi các tiêu chí kỹ thuật đánh giá hoàn thiện hệ thống đánh giá liên bệnh viện được hoàn thiện thì sẽ phổ biến áp dụng cho tất cả hệ thống bệnh viện hoặc nghiên cứu hoàn thiện có thể được ban hành thành tiêu chuẩn quốc gia, đưa vào dự thảo Luật khám chữa bệnh và luật hóa. Như vậy, chúng tôi sẽ có điều kiện phổ biến và chính thức áp dụng tại các bệnh viện”, theo đề đạt của đại diện Cục KHCN và Đào tạo (Bộ Y tế).

Anh Vũ (khoahocvaphattrien)

LEAVE REPLY

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *