Hệ thống giám sát môi trường nuôi tôm tự động

Dự án “Hỗ trợ thương mại hóa hệ thống giám sát, cảnh báo tự động một số chỉ tiêu môi trường nước phục vụ nuôi tôm thâm canh nước mặn, lợ trong ao đất tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long” được thực hiện tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và TPHCM.  Dự án do Trung tâm ứng dụng và dịch vụ KH&CN – Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN chủ trì, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II và Trung tâm phát triển công nghệ và thiết bị công nghiệp Sài Gòn (CENINTEC) phối hợp thực hiện đã đạt hiệu quả khi lắp đặt hệ thống giám sát, cảnh báo tự động một số chỉ tiêu môi trường nước (e – Aqua)” trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng tại một số hộ dân.

Dự án được triển khai trong hai năm (2017 – 2018), những hộ dân tham gia dự án được đào tạo, bồi dưỡng và chuyển giao công nghệ hệ thống e – Aqua. Đồng thời, các hộ này còn được hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư hệ thống

Hệ thống này gồm bộ điều khiển đo, giao diện giám sát và điều khiển, phần mềm thu thập và thống kê số liệu được thiết kế nhỏ gọn, với chỉ một bộ đầu dò (sensor) có thể bổ trí cho 8 điểm đo. Hệ thống sẽ tuần tự lấy nước từ các điểm đo về máy bơm. Từ đó, các sensor sẽ thực hiện đo tất cả các chỉ tiêu của nước như nhiệt độ, DO (nồng độ o xxy hòa tan), pH, độ mặn. Các dữ liệu này sẽ được cập nhật lên điện toán đám mây, giúp người giám sát từ xa thông qua các thiêt bị di động thông minh như điện thoại, máy tính bảng. Dữ liệu sẽ được so sánh với ngưỡng cho phép được cài đặt sẵn để thực hiện cảnh báo bật hay tắt các thiết bị vận hành tự động. Hệ thống này có thể thực hiện liên tục suốt ngày đêm, điều mà con người không thể làm được. Nhờ đó, có thể cảnh báo kịp thời cho người nuôi tôm. Bên cạnh giám sát hàm lượng ôxy hòa tan, hệ thống còn có thể đánh giá các chỉ tiêu như NH3, H2S, mật độ tảo, mật độ vi sinh vật trong ao nuôi,… nhằm hạn chế rủi ro dịch bệnh, môi trường ao nuôi được xử lý kịp thời, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường nước.

4.000m2 ở Sóc Trăng được lắp đặt hệ thống e – Aqua, sau 3 tháng vận hành đã cho năng suất và lợi nhuận tăng đáng kể (hơn 600kg) so với ao nuôi đối chứng do kéo dài được thời gian nuôi 10 ngày. Nhờ việc cung cấp oxy ổn định trong khoảng thích hợp, đặc biệt thời điểm từ ban đêm trở về sáng nên đã kéo dài được thời gian trong nuôi tôm.  Ao tôm 2.000m2 của ông Quách Hoàng Dũng, ở xã Tân Phong (Giá Rai, Bạc Liêu), ông Trần Văn Ngọt, phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) khi thực hiện mô hình nuôi tôm chân trắng áp dụng hệ thống giám sát cảnh báo tự động, không còn phải lo tôm bị yếu hoặc chết do thiếu ô xy, đặc biệt vào ban đêm. Sau gần 3 tháng nuôi, tỷ lệ tôm sống đạt 92%, ông Dũng thu về lợi nhuận trên 300 triệu đồng với sản lượng gần 5 tạ tôm thẻ chân trắng.

Các hộ nông dân cho biết, hệ thống vận hành dễ dàng, ổn định, tiết kiệm được thời gian, chi phí giám sát, nhân lực. Nhờ được theo dõi và đánh giá liên tục được nồng độ DO trong ao nuoi nên có biện pháp xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố đột ngột, đặc biệt vào ban đêm. Cũng nhờ chỉ tiêu nồng độ DO được giám sát liên tục, người nuôi tôm chủ động kiểm soát được chế độ quạt nước. Ban ngày hạn chế chạy một số quạt, ban đêm khi ô xy thấp thì tăng cường chạy quạt. Qua hệ thống, cũng chủ động kiểm soát được lượng thức ăn khi nồng độ DO xuống thấp.

Để giảm dịch bệnh, gia tăng tỷ lệ thành công trong nuôi tôm, việc đảm bảo chất lượng nước là chìa khóa để thành công. Muốn vậy phải theo dõi và giám sát. Tuy nhiên, cùng với việc gia tăng mật độ, việc giám sát chất lượng nước, đặc biệt với các chỉ tiêu quan trọng, ảnh hưởng đáng kể đến sự sinh trưởng của tôm. Nếu chỉ dùng cách thông thường bằng kít đo, thực hiện một vài lần trong ngày hay trong tuần không đảm bảo được sự an toàn cho ao nuôi. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ giám sát, cảnh báo tự động chất lượng nước trong nuôi tôm thực sự là cần thiết.

Nguồn: Cục Công tác phía Nam.